13/08/2018 - 14:29

Tiềm năng du lịch văn hóa Khmer 

Các giá trị văn hóa (VH), đời sống, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nếu được khai thác tốt, có thể trở thành những sản phẩm du lịch (DL) VH đặc trưng, hấp dẫn khách DL trong và ngoài nước đến với địa phương.

Dấu ấn VH Khmer

Một trong những nét VH đặc sắc của người Khmer chính là các lễ hội. Lễ hội của dân tộc Khmer rất phong phú, bao gồm lễ hội sinh hoạt truyền thống và lễ hội sinh hoạt tôn giáo như: Chol Chnam Thmay, Sene Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ... trong đó phải kể đến lễ hội đua bò truyền thống, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến theo dõi, cổ vũ tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Ngoài ra, trong dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay còn diễn ra nhiều hoạt động VH - văn nghệ và thể dục - thể thao cùng các loại hình nghệ thuật dân gian lưu truyền ở các phum, sóc được tổ chức tại chùa không chỉ phục vụ đông đảo phật tử mà còn thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Nghệ thuật truyền thống được duy trì tại các ngôi chùa trong cộng đồng dân tộc Khmer

Không chỉ có lễ hội, mà những ngôi chùa với những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến với các ngôi chùa Khmer, du khách có thể tìm hiểu một số tập tục được gìn giữ bao đời nay như: lễ dâng cơm, lễ dâng áo cà sa, tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người... Ngoài ra, một vài ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những bộ kinh lá buông, có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tính ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Không chỉ mang nét thẩm mỹ độc đáo, các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt VH nghệ thuật...

Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Khmer còn có cả kho tàng VH dân gian và nghệ thuật cổ truyền rất phong phú và đặc sắc. Từ nghệ thuật múa dân gian lâm thôn, nghệ thuật tuồng cổ dì kê, dù kê cho đến các giá trị khác như: ẩm thực, làng nghề truyền thống, phong tục, tập quán... tất cả đều có những nét độc đáo rất riêng biệt. Các yếu tố này nếu được khai thác tốt sẽ tạo thành những sản phẩm DL đặc trưng của địa phương.

Phát triển DL cộng đồng

Theo TS. Đào Ngọc Cảnh (Trường Đại học Cần Thơ), An Giang có địa hình khá đa dạng, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng cùng với đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt. Đặc biệt, địa hình đồi núi của các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên là vốn quý đặc trưng để phát triển DL, trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến là núi Cấm cùng với nhiều ngọn núi trong dãy Thất Sơn đã tạo ra nét độc đáo so với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Ngoài ra, với việc có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống ở 2 địa phương trên đã mở ra tiềm năng lớn cho việc phát triển loại hình DL cộng đồng.

Tuy có nhiều tiềm năng về DL VH trong đồng bào dân tộc Khmer nhưng thực trạng phát triển DL của tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng DL VH nói riêng và DL nói chung của tỉnh. Nguyên nhân do đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu vốn để đầu tư, phát triển DL; kiến thức và kỹ năng làm DL của người dân còn yếu kém; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, nâng cấp kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển; thiếu sự liên doanh, liên kết để cùng nhau phát triển DL... Vì vậy, để tạo điều kiện phát triển DL cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương để cùng chung tay phát huy những tiềm năng sẵn có. Qua đó, không chỉ giúp đời sống người dân ngày càng được nâng cao mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới.

DL cộng đồng là phương thức tổ chức hoạt động DL dựa vào những tiềm năng sẳn có của cộng đồng dân cư địa phương. Loại hình này cung cấp cho du khách sự trải nghiệm về thiên nhiên và những giá trị VH bản địa. Qua đó, người làm DL có điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời thúc đẩy việc bảo tồn tự nhiên và VH truyền thống của địa phương.

Theo Báo An Giang

Chia sẻ bài viết