21/12/2019 - 10:08

Thuốc lá lậu: Cuộc chiến chưa có hồi kết! 

Thực hiện theo Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, các địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các giải pháp, kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, lượng thuốc lá nhập lậu vào nội địa bị bắt giữ chỉ chiếm hơn 1% so với thực tế lượng hàng nhập lậu vào Việt Nam...

Ngụy trang tinh vi, hành động liều lĩnh

Hiện nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới Tây Nam với các địa bàn trọng điểm: Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh… Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới từ 400.000 - 500.000 bao các loại, trong đó 80% là Jet và Hero. Thuốc lá lậu được các đối tượng tập kết ở các kho hàng sát biên giới, chờ thời cơ thuận lợi sau đó dùng vỏ lãi, xuống máy hoặc thuê người đai vác, vận chuyển băng qua đường biên giới. Sau khi vào nội địa, các đầu nậu dùng xe gắn máy vận chuyển đơn lẻ, thành nhiều chuyến để qua mặt các cơ quan quản lý. Các đối tượng này thường chạy xe tốc độ cao, lạng lách nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Các đường dây vận chuyển được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Các đối tượng vận chuyển vào ban đêm và thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, ngụy trang cất giấu rất tinh vi, luôn cử người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24h… để né tránh. Các đầu nậu không chỉ thuê người dân, không có việc làm ổn định mà còn thuê các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy… vận chuyển, khi bị lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng này thường rất manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ, tẩu tán tang vật.

Theo ghi nhận của phóng viên, quốc lộ 91 qua địa phận tỉnh An Giang, tình trạng vận chuyển thuốc lá nhập lậu  bằng xe gắn máy diễn ra  công khai. Hành vi buôn lậu được thực hiện theo cách thức, các đối tượng dùng ghe vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia, sau đó cất giấu tại các ngôi nhà, ghe đậu tại khu vực kênh Vĩnh Tế. Khoảng 20 giờ hằng ngày, sau khi bốc hàng từ điểm tập kết, mỗi nhóm người đi  từ 3-5 xe gắn máy nối đuôi nhau chạy thẳng đến trung tâm TP Châu đốc để giao hàng  cho các đầu nậu, từ đây thuốc lá lậu phân phối đi các tỉnh, thành tiêu thụ. Để tuồn hàng các đối tượng buôn lậu thường sử dụng phương tiện là các xe chở khách. Để qua mặt các lược lượng chức năng, các đối tượng còn sử dụng hình thức thuê xe tải để vận chuyển thuốc lá lậu với số lượng lớn. Đây là một trong những khó khăn của cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, bởi khi bắt giữ chỉ có tài xế và xe tải chở hàng này giấy tờ  là các hợp đồng thuê xe dân sự, không có  chủ hàng. Tại thị trường nội địa, thuốc lá lậu  bán tràn lan và công khai ở các cửa hàng bán lẻ, tiệm tạp hóa với số lượng "bao nhiêu cũng có"…

 Gỡ khó để quản lý

Hiện nay, hầu hết các địa phương cho rằng, còn nhiều khó khăn trong việc xử lý thuốc lá điếu nhập lậu. Chẳng hạn, theo Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg ngày 26-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài (gọi tắt là Quyết định 20), vướng trong công tác giám định, đánh giá mặt hàng này tiêu hủy hay đấu giá do đến nay vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào thực hiện nhiệm vụ. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên chịu truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, các đường dây buôn lậu đã lợi dụng sơ hở này, đã xé lẻ (dưới 1.500 bao) để vận chuyển. Kể cả khi lực lượng chức năng bắt được vụ từ 1.500 bao trở lên nhưng vẫn khó xử lý do hầu hết không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm. Dù cơ quan công an tiến hành khởi tố vụ án theo quy định, nhưng do không xác định được đối tượng nên sau khi hết thời hạn điều tra phải ra quyết định tạm chỉ điều tra vụ án, dẫn đến số vụ việc tạm đình chỉ ngày càng nhiều.

Cán bộ  Cục QLTT TP Cần Thơ đang kiểm tra một vụ buôn lậu thuốc lá bằng phương tiện xe chở khách.

Cán bộ  Cục QLTT TP Cần Thơ đang kiểm tra một vụ buôn lậu thuốc lá bằng phương tiện xe chở khách. 

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, Ban Chỉ đạo đang bàn giải pháp để các lực lượng chức năng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu trong thời gian vừa qua, đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, xử lý được tang vật đảm bảo ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới đang diễn ra rất phức tạp. Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực sẽ làm việc với các bộ ngành, để sớm xác định cơ quan chức năng nào kiểm định chất lượng để các địa phương phối hợp thực hiện theo đúng tinh thần gọi tắt là Quyết định 20.

Buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, gây mất trật tự xã hội mà thuốc lá nhập lậu còn gây hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe người sử dụng bởi chất lượng không được một cơ quan nào kiểm soát. Chưa kể, do vận chuyển lén lút nên thuốc lá không được bảo quản theo quy định, dễ bị nấm mốc gây nguy hiểm cho người tiêu dùng như: ngộ độc, ung thư, thậm chí có thể gây tử vong khi sử dụng…

Theo các địa phương, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện giải pháp xử lý thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ bằng cách cho tiêu hủy để tránh việc tái xuất gây thẩm lậu ngược vào thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ các lực lượng tham gia chống buôn lậu và tăng cường chế tài xử phạt nặng, tạo tính răn đe đối với tội phạm.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, giai đoạn năm 2013-2018, thuốc lá nhập lậu bình quân trên 700 triệu bao mỗi năm, có năm chiếm tới 25% thị trường thuốc lá. Theo thống kê, từ ngày tháng 10-2014 đến tháng 10-2019, các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 52.375 vụ buôn lậu thuốc lá, tịch thu hơn 39 triệu bao, khởi tố hình sự hơn 917 vụ và trên 1.150 đối tượng.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thuốc lá lậu