15/12/2020 - 09:32

Thước đo chất lượng giáo dục đại học 

Xu thế toàn cầu hóa và tự chủ đại học đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải tự xác lập vị thế học thuật và chất lượng người được đào tạo qua đánh giá của thị trường lao động. Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là một trong những công cụ hữu hiệu để các trường thực hiện các chuẩn mực đào tạo. Tại TP Cần Thơ, nhiều trường đại học đẩy mạnh hoạt động này.        

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Đà Nẵng khảo sát sơ bộ phục vụ đánh giá ngoài chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Đà Nẵng khảo sát sơ bộ phục vụ đánh giá ngoài chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Ở nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, KĐCLGD đã được hình thành và phát triển lâu đời. Tại Việt Nam, từ năm 2007 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Bộ tiêu chuẩn KĐCLGD đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo (CTĐT); chu kỳ, quy trình kiểm định; các văn bản cụ thể hóa các tiêu chuẩn làm công cụ thực hiện. Hệ thống quy định về công tác đánh giá và kiểm định các cơ sở giáo dục và CTĐT ngày càng đầy đủ, song song với hoàn thiện quá trình chuyển giao các phương pháp đánh giá của Bộ GD&ĐT đến các cơ sở giáo dục trên cả nước, chuẩn bị tiến đến KĐCL toàn diện. Bộ GD&ĐT bắt đầu áp dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cấp CTĐT theo AUN-QA với 11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí (Thông tư 04/2016), đồng thời đang triển khai áp dụng thí điểm bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục theo AUN-QA với 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí (Thông tư 12/2017).

Theo lãnh đạo các trường đại học tại Cần Thơ, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tự chủ đại học đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải xác lập được thương hiệu, mà thể hiện rõ nhất qua năng lực của người được đào tạo khi tham gia thị trường lao động. Thị trường này không còn bó hẹp giữa người lao động được đào tạo và làm việc trong nước; mà còn phải đủ sức cạnh tranh với nguồn lao động từ nước ngoài đến Việt Nam và người Việt xuất ngoại tham gia thị trường lao động toàn cầu. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cơ sở giáo dục đại học không những mở rộng quy mô, mà còn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Tiên phong trong hoạt động này là Trường Đại học Cần Thơ, khi năm 2009 Hội đồng quốc gia KĐCLGD đã thẩm định và công nhận chất lượng trường với số phiếu tán thành 92,86%. Lãnh đạo trường luôn chú trọng thực hiện công tác tự đánh giá CTĐT, kiểm định các CTĐT theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và AUN-QA. Từ đó chất lượng đào tạo được nâng lên đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội và hội nhập quốc tế; thể hiện một phần qua tỷ lệ sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm trên 90%. Năm học 2019-2020, trường đã hoàn thành kiểm định và công nhận chất lượng nội bộ 15 CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA. Đặc biệt trong năm 2020, theo kết quả của QS xếp hạng đại học theo lĩnh vực, Trường Đại học Cần Thơ được xếp thứ Nhất tại Việt Nam và nhóm hạng 251-300 trên thế giới ở lĩnh vực Nông nghiệp - Lâm nghiệp.

Bảng xếp hạng QS theo lĩnh vực chuyên môn của Trường Đại học Cần Thơ dựa trên kết quả của 4 chỉ báo là: Khảo sát danh tiếng học thuật; Khảo sát danh tiếng tuyển dụng; Trích dẫn trên bài báo và Chỉ số H. Theo ông Đào Phong Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng, Trường Đại học Cần Thơ, để đạt được 4 tiêu chí trên, trường đã thực hiện nhiều giải pháp cho mỗi tiêu chí. Ví dụ như để cải thiện điểm số cho Khảo sát danh tiếng học thuật, nhà trường cải tiến CTĐT bằng cách tham chiếu và sử dụng tiêu chuẩn của Mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Đông Nam Á; tổ chức đào tạo các chương trình tiên tiến, chất lượng cao bằng tiếng Anh; tham gia các dự án quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục (chương trình ASEAN-QA với các đối tác Đông Nam Á và châu Âu, dự án ComO-QM với các đối tác Đức); bồi dưỡng phương pháp sư phạm và tiếp cận hiện đại cho đội ngũ giảng viên; nâng cao năng lực ứng dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu trong và ngoài nước...

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã thành lập Hội đồng tự đánh giá, xây dựng kế hoạch tự đánh giá cơ sở giáo dục giai đoạn 2015-2019; kế hoạch đảm bảo chất lượng giai đoạn 2018-2020 và 2020-2025. Từ đó, xây dựng và ban hành chính sách đảm bảo chất lượng, hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; xây dựng kế hoạch rà soát, cải tiến các hoạt động đảm bảo chất lượng về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng… Nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo, với trên 90% đội ngũ viên chức, giảng viên đạt trình độ sau đại học, đảm bảo đáp ứng quy mô khoảng 3.000 sinh viên; tỷ lệ sinh viên của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 92%.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2008 đã thực hiện tự đánh giá hoạt động các đơn vị trực thuộc, nhằm khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ cao cho ĐBSCL và cả nước. Giai đoạn 2014-2017, trường triển khai tự đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn thử nghiệm của Bộ Y tế, bộ tiêu chuẩn định hướng của AUN-QA và chính thức theo bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. Năm 2018, trường được công nhận đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học. Trường Đại học Tây Đô và Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng được cấp giấy chứng nhận KĐCLGD năm 2018. Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: Trường luôn đẩy mạnh công tác KĐCLGD. Nổi bật trong các tiêu chí đánh giá của trường là tỷ lệ sinh viên có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đạt hơn 90%. Đây là kết quả việc định kỳ hàng năm trường tổ chức khảo sát, xin ý kiến các doanh nghiệp, tổ chức nơi có sinh viên trường làm việc…; liên kết, hợp tác với hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập - thực tế, việc làm, triển khai các dự án nghiên cứu, dự án khởi nghiệp của sinh viên.

****

Định hướng phát triển của Trường Đại học Cần Thơ đến năm 2022 sẽ trở thành một trong những trường hàng đầu về chất lượng của Việt Nam và nằm trong nhóm các trường mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành đại học khoa học sức khỏe định hướng ứng dụng, là trường trọng điểm với các chương trình tiên tiến - xuất sắc, bệnh viện của trường hiện đại, kỹ thuật cao. Giai đoạn 2020-2025, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ phấn đấu trở thành trường đại học đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ có uy tín trong cả nước và khu vực ASEAN… Theo lãnh đạo các trường đại học, trong định hướng phát triển của đơn vị luôn đề cao vai trò của công tác KĐCLGD - đây là công cụ phản ánh đến các bên liên quan những bằng chứng xác thực về chất lượng đào tạo, là cơ hội và động lực để nâng cao chất lượng cho các cơ sở giáo dục đã qua kiểm định. 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết