02/09/2024 - 17:26

Thức trắng đêm chờ xạ trị ung thư 

Có nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi nhưng vẫn phải thức trắng đêm chờ đến lượt xạ trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu (BVUB) TP Cần Thơ. Tình trạng quá tải bệnh nhân, cộng với bệnh viện (BV) xuống cấp trầm trọng, thiếu máy điều trị… là nỗi lo của nhiều người dân vùng ĐBSCL mỗi khi bị bệnh.

Mỏi mòn chờ tới lượt

Ngồi chờ đợi bên ghế đá ở BVUB TP Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Bích Thủy ngụ TP Long Xuyên (An Giang), nuôi con gái đang xạ trị tại BV cả tháng nay. Chị Thủy kể, tháng 9 năm ngoái, con gái của chị phát hiện trong người không khỏe nên đi thăm khám, sau đó được chuyển đến BVUB TP Cần Thơ, bác sĩ phát hiện cháu bị u tuyến nước bọt. Tháng 2-2024 cháu được phẫu thuật và phải chờ đến tháng 7-2024 mới được xạ trị 30 tia theo phác đồ. “Gia đình làm thuê, cuộc sống khó khăn nhưng do con gái bị bệnh, phải “bám” BV hàng tháng dài để mong được xạ trị. Cũng may, ở BV có cơm nước từ thiện, ghế nằm miễn phí cho người thân nuôi bệnh… nên đỡ phần nào chi phí” - chị Thủy bộc bạch.

Quá đông người chờ ngoài khu vực xạ trị của BVUB TP Cần Thơ.

Bà Lê Thị Còn, 55 tuổi, ngụ xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, đang xạ trị ở BVUB TP Cần Thơ, chia sẻ: “Khu vực này đa phần là người lớn tuổi, sức khỏe kém và mang trong người bệnh ung thư đang chờ xạ trị, nên “mệt càng mệt thêm” khi bị quá tải. Tuy vất vả trăm bề, nhưng ai cũng ráng bởi khi nghe BV bố trí lịch cho mình được xạ trị là mừng lắm, ai cũng mong được xạ trị xong, bệnh thuyên giảm để về nhà”.

Bà Còn thuộc diện hộ nghèo ở địa phương, không nghề nghiệp, không đất đai sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống. Mấy năm trước bà phát hiện trong người có dấu hiệu bất thường như đau phần bụng, khoang chậu, đau ngực, ho… nhưng không tiền nên bà chỉ đi hốt thuốc nam và thuốc bắc về uống. Bệnh không giảm mà còn nặng thêm, cuối cùng bà vào BV thăm khám thì phát hiện ung thư cổ tử cung; sau đó được chuyển đến BVUB TP Cần Thơ phẫu thuật. Gần 1 năm tiếp tục uống thuốc, điều trị… đến tháng 7-2024, bà Còn mới được BV gọi xạ trị. “Nghe tin được xạ trị, tôi rất mừng, nhưng cũng lo bởi nhà nghèo. Khi xuống đây thì được các bác sĩ quyên góp hỗ trợ 9 triệu đồng, rồi nhờ cơm nước từ thiện nên cũng nhẹ lo. Bác sĩ dặn cố gắng xạ trị đủ 25 tia, rồi về nhà tiếp tục điều trị và tái khám định kỳ để theo dõi. Do số bệnh nhân quá đông, nên tôi phải xạ trị ca đêm từ 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng; tuy cực nhọc nhưng phải cố gắng thức để xạ trị đầy đủ” - bà Còn kể.

Bà Phạm Thị Tư, 69 tuổi, ngụ xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cũng đang cố gắng thức đêm để được xạ trị gần 1 tháng nay ở BVUB TP Cần Thơ. Bà Tư cho hay, gia đình ở nông thôn nhưng ruộng đất ít nên đời sống khó khăn. Tháng 10-2023, bà bị bệnh, đi thăm khám thì phát hiện ung thư cổ tử cung, cộng với suy tim và thận, buộc phải nhập viện. Nhà không tiền nhưng phải cố gắng chạy lo cả trăm triệu đồng để chữa trị trong nhiều tháng qua và hiện bước vào giai đoạn xạ trị ung thư với 28 tia theo phác đồ. Cũng do bệnh nhân chờ xạ trị quá đông nên bà Tư dù tuổi cao và nhiều chứng bệnh nhưng vẫn phải chịu cảnh xạ trị “ca đêm” từ 12 giờ khuya đến 3 giờ sáng. “Ban đêm thì thức chờ xạ trị, còn ban ngày do phòng ốc chật chội, nóng bức, giường chung 2 người nên rất khó ngủ và bất tiện sinh hoạt. Người thân theo chăm sóc thì ra ghế đá, hành lang BV tá túc… Tình trạng này kéo dài nhiều ngày khiến người bệnh và người nuôi bệnh đều đuối, song vẫn cố đeo bám xạ trị, bởi thời gian chờ tới lượt cũng mất mấy tháng rồi” - bà Tư chia sẻ.


 

Tâm lý bệnh nhân vẫn muốn xạ trị ở trung tâm lớn

Hiện nay toàn vùng ĐBSCL có 4 BV đang thực hiện xạ trị cho người bệnh ung thư, gồm: BVUB TP Cần Thơ và 3 BV đa khoa của 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và Trà Vinh. Liên tục những năm qua khi quá tải bệnh nhân chờ xạ trị ung thư, BVUB TP Cần Thơ đã tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu… thậm chí năn nỉ bệnh nhân ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh cũng như các địa phương lân cận nên chuyển về 3 BV này để được xạ trị sớm; ngoài ra các máy xạ trị ở các BV này là máy mới, hiện đại… đặc biệt là người bệnh không nhiều, không phải chờ lâu. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân không chịu về, mà vẫn kiên quyết xin ở lại BVUB TP Cần Thơ chờ xạ trị.

Có thể thấy rằng, hiện nay đa phần các trung tâm ung thư và xạ trị nằm ở thành phố lớn, trong khi các tỉnh chưa phát triển được bởi nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, các bệnh nhân vẫn có tâm lý đến các trung tâm lớn, BV lớn, có uy tín… để được điều trị ung thư, xạ trị dù di chuyển xa, chờ đợi lâu, nhưng bệnh nhân cho rằng họ an tâm, tin tưởng. Do đó, xảy ra tình trạng các BV lớn, lâu năm thì luôn quá tải, còn những BV mới áp dụng thì vắng bệnh nhân…

 

 

Quá tải kéo dài, bệnh nhân gặp khó

Trước thực trạng rất nhiều bệnh nhân ung thư đang phải chờ mấy tháng dài mới tới lượt xạ trị, lãnh đạo BVUB TP Cần Thơ nhìn nhận, hiện tại BV chỉ có duy nhất 1 máy xạ trị nhưng đã quá lạc hậu. Cụ thể, máy xạ trị Cobalt 60 được đầu tư từ năm 2010, dù rất lạc hậu nhưng thời gian qua phải hoạt động hết công suất, chạy liên tục 4 ca xuyên suốt ngày đêm. Dù vậy, BV cũng chỉ đáp ứng mỗi ngày cho hơn 70 bệnh nhân xạ trị, trong khi lượng người bệnh ở khu vực ĐBSCL chờ được xạ trị ung thư tại BV từ 250-300 người, có lúc lên đến 400 người. Trường hợp máy xạ trị bị hư thì số bệnh nhân bị dồn sẽ dữ dội hơn, đáng lo là những bệnh nặng phải chờ quá lâu khiến càng nặng thêm…

Giải quyết vấn đề quá tải này, những năm qua BVUB TP Cần Thơ đã kiến nghị ngành chức năng xem xét cho đầu tư mới 1 máy xạ trị gia tốc khoảng 100-120 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu xạ trị cho khoảng 150 bệnh nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn “còn chờ” bởi một số thủ tục trong khi sự chậm trễ kéo theo rất nhiều hệ lụy: bệnh nhân không được điều trị kịp thời; một số trường hợp phải lên TP Hồ Chí Minh xạ trị vừa xa, vừa tốn kém và gây quá tải cho tuyến trên... Các bác sĩ chuyên khoa về ung bướu cảnh báo, việc người dân được phát hiện sớm bệnh ung thư và được điều trị sớm chính là chìa khóa quan trọng góp phần chiến thắng ung thư. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân ĐBSCL đang phải chờ tới lượt xạ trị quá lâu sẽ phần nào ảnh hưởng tới kết quả điều trị là khó tránh khỏi. Cuối cùng người bệnh chịu thiệt thòi…

Theo lãnh đạo BVUB TP Cần Thơ, không chỉ thiếu máy xạ trị, nhiều năm qua cơ sở vật chất của BV xuống cấp trầm trọng và luôn quá tải. Hiện, các trưởng khoa không có phòng làm việc riêng mà phải ở chung với văn phòng khoa và nhiều bác sĩ, điều dưỡng… trong căn phòng chật hẹp. BV có hơn 400 giường và phải kê thêm 50 giường để bệnh nhân nằm chung mà vẫn không thấm vào đâu. Ngoài ra, phải tận dụng các hành lang để bố trí ghế đá, ghế bố cho người nhà bệnh nhân có chỗ nghỉ, nhưng vẫn không đủ. Đáng lo ngại là nhu cầu bệnh nhân nằm điều trị ngày càng nhiều, 500-600 người trở lên. BV đã nỗ lực sắp xếp lại các nơi làm việc gọn, nhỏ… để dành chỗ cho bệnh nhân, nhưng không cách nào giải quyết được quá tải.

Phải hoàn thành BVUB TP Cần Thơ từ nguồn vốn trong nước 

BVUB TP Cần Thơ là trung tâm điều trị, phòng, chống ung thư của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, đồng thời giảm áp lực về bệnh ung bướu chuyển lên TP Hồ Chí Minh điều trị. Cơ sở mới của BV ở đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, được khởi công tháng 10-2017, quy mô 500 giường, tổng diện tích sàn 44.575m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng (trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương), thời gian xây dựng 3 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn ì ạch...

Theo UBND TP Cần Thơ, dự án BVUB TP Cần Thơ mới sẽ tiếp tục được thực hiện bằng nguồn vốn trong nước. Cụ thể, công trình BVUB TP Cần Thơ mới sau gần 7 năm triển khai, đến nay, tổng giá trị liên danh nhà thầu thực hiện mới đạt hơn 21,3% khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công xây dựng công trình) và đã ngưng thi công từ mấy năm qua. Đáng lo ngại là hợp đồng giữa Sở Y tế TP Cần Thơ và liên danh nhà thầu đã hết hiệu lực vào ngày 10-7-2022; còn Hiệp định vay của dự án đã được ký kết (lần 2) giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng đã hết hiệu lực vào ngày 11-7-2022.  

Tháng 7-2024,  Chính phủ có cuộc họp với TP Cần Thơ về tình hình xây dựng BVUB. Theo đó, TP Cần Thơ kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án tiếp tục thực hiện dự án bằng nguồn vốn trong nước thay vì sử dụng vốn ODA của Hungary. Phía hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên điều chỉnh lại chủ trương đầu tư dự án, gia hạn thời gian thực hiện dự án và kết thúc hiệp định vay vốn ODA với Hungary.

Cũng liên quan đến dự án trên, tại buổi tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ vào ngày 14-7-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP Cần Thơ phải tập trung xây dựng hoàn thiện BVUB mới. Theo Thủ tướng, BVUB TP Cần Thơ là BV trung tâm của cả vùng ĐBSCL, góp phần giảm số bệnh nhân phải lên TP Hồ Chí Minh điều trị, vừa xa vừa tốn kém nhiều chi phí. Vì vậy, TP Cần Thơ cần tiếp tục triển khai dự án này bằng nguồn vốn trong nước, với tinh thần khó mấy cũng phải làm và sớm hoàn thành để phục vụ nhu cầu khám, điều trị bệnh cho bà con toàn vùng…

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết