10/10/2020 - 17:59

Thực hiện nghiêm Công điện 1372 của Thủ tướng trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung 

Nước thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường có thể gây ngập úng đô thị vào đầu tháng 9 âm lịch

(TTXVN) - Trước tình hình mưa lũ khu vực miền Trung đang diễn biến hết sức phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công điện số 1372/CÐ-TTg ngày 8-10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung đối phó với mưa lũ tại các tỉnh miền Trung.

Lũ trên các sông Kiến Giang tại Lệ Thủy ở mức trên BĐ3, gây ngập lụt trên diện rộng tại tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Lưu Hương. Nguồn: http://baochinhphu.vn/

Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung tiếp tục tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người chết; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhà ở, nước sạch, hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng đang bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tiếp tục thực hiện cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên trên các tàu Vietship bị nạn tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị; rà soát, đánh giá thiệt hại do mưa lũ và nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các địa phương thuộc khu vực miền Trung cần bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết; chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ động xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình vận hành hồ đập; tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 21/CÐ-TW ngày 9-10 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến mưa lũ, áp thấp nhiệt đới; hướng dẫn chính quyền cơ sở, người dân các biện pháp ứng phó hiệu quả trong thời gian tới; duy trì tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Những ngày qua, công tác này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Cục Cứu hộ Cứu nạn - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai... đã liên tục chỉ đạo sâu sát và hành động kịp thời. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và bộ, ngành liên quan để chủ động ứng phó với vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới; có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo các công ty dịch vụ viễn thông nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng thiên tai...

w Theo Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mực nước thượng nguồn vùng ÐBSCL đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tại Tân Châu mực nước dao động 2,08m, thấp hơn 1,72m so với TBNN, thấp hơn 0,73m so với năm 2019, thấp hơn 0,19m so với năm 2015. Tại Châu Ðốc mực nước dao động 2,06m, thấp hơn 1,36m so với TBNN, thấp hơn 0,69m so với năm 2019, cao hơn 0,03m so với năm 2015.

Khu vực ÐBSCL đang trong giai đoạn nửa cuối mùa lũ, bão và áp thấp nhiệt đới vẫn đang diễn ra trên Biển Ðông, nhiều nguy cơ tác động trực tiếp gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong làm dòng chảy trên dòng chính sông Mekong và ÐBSCL tăng trong 1 đến 2 tuần tới. Có thể đánh giá lũ năm 2020 đến muộn và ở mức thấp. Ðỉnh lũ năm 2020 đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu ở mức 2,3-2,5 m (dưới mức báo động 1), thời gian xuất hiện đỉnh lũ vào 18 đến 20-10-2020. Thời gian này trùng hợp triều cường đầu tháng 9 âm lịch lên cao, do đó có khả năng ngập úng khu vực trũng thấp như TP Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long…

Các địa phương khu vực ÐBSCL cần theo dõi sát diễn biến của lũ, triều cường trong tháng 10 và 11 để chủ động đối phó với tình trạng ngập lụt; tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao vùng đang có mực nước lũ nội đồng lên cao, kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra; gia cố khẩn cấp đê bao, bờ bao có nguy cơ bị tràn, vỡ; vùng trũng thấp tăng cường nạo vét, khai thông cống rãnh tránh ngập nghẹt đô thị, vườn cây ăn trái...

Thắng Trung  -H.VĂN

Chia sẻ bài viết