12/06/2011 - 09:32

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngành Lao động - Thương binh và xã hội nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội giai đoạn hiện nay

* NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
( Bí thư Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

Việc Chính phủ cho phép giá cả một số mặt hàng trọng yếu như điện, xăng dầu, ngoại tệ... đồng loạt tăng thời gian qua làm cho tình hình lạm phát diễn biến rất phức tạp. Trước tình hình đó, Nghị quyết 11 của Chính phủ Về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ra đời. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã hưởng ứng đồng thuận nhanh chóng và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

Trong 10 năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 8%/năm, tỷ lệ nghèo giảm nhanh từ 58% năm 1993 xuống còn 9,45% năm 2010. Hệ thống chính sách an sinh xã hội được xây dựng và phát triển tương đối đồng bộ, từng bước được hoàn thiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, đặc biệt chú ý đến người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số, dân cư vùng nông thôn, dân cư vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Đối tượng tham gia và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội được mở rộng, đa dạng về hình thức và gia tăng về quy mô; dân cư, kể cả dân cư vùng nông thôn đã bước đầu chủ động phòng ngừa, đối phó, giảm thiểu và khắc phục có hiệu quả những rủi ro để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, chất lượng việc làm không cao, đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng; giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội và mức hỗ trợ còn thấp, khả năng tiếp cận của nhiều nhóm đối tượng chưa cao, năng lực phòng, chống và quản lý rủi ro của người dân còn thấp, nguồn lực cho an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách của Nhà nước.

Đặc biệt từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình giá cả thế giới có nhiều biến động, một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất như điện, xăng dầu phải điều chỉnh tăng giá để thực hiện theo cơ chế giá thị trường, dẫn tới giá cả sinh hoạt cũng tăng cao, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 9-1-2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó xác định việc bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-LĐTBXH ngày 11-3-2011 về Chương trình hành động của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo thời kỳ lạm phát. Trong giai đoạn hiện nay, chủ trương và giải pháp bảo đảm an sinh xã hội có một số đặc điểm chính sau:1- Chủ trương bảo đảm an sinh xã hội

Đảng và Nhà nước ta chủ trương bảo đảm an sinh xã hội phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: “Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo”.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn hiện nay, chủ trương bảo đảm an sinh xã hội tập trung vào một số nội dung:- Phát triển hệ thống an sinh xã hội có trọng tâm trong thời kỳ lạm phát, cần chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm: người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, người ốm đau, người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi, lao động nông thôn, khu vực phi chính thức, người thất nghiệp, người bị ảnh hưởng của thiên tai và các rủi ro bất khả kháng khác; - Xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh xã hội hướng tới bao phủ toàn bộ người dân, trước mắt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội đa dạng, nhiều tầng lớp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho người dân;- Phát triển hệ thống an sinh xã hội dựa trên quyền được an sinh của người dân và phù hợp với khả năng ngân sách của Nhà nước nhằm mục tiêu hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; - Nâng cao năng lực tự vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khả năng tự an sinh của người dân thông qua các chính sách hỗ trợ gián tiếp để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; tăng cường chính sách trợ giúp trực tiếp đối với nhóm đối tượng không có khả năng tự bảo đảm an sinh. - Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện an sinh xã hội, đồng thời mở rộng sự tham gia của các đối tác xã hội thông qua các cơ chế khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng vào cung cấp dịch vụ an sinh xã hội. Đồng thời phát huy vai trò và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội. - Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội; phấn đấu từng bước phát triển các chính sách an sinh xã hội phù hợp với xu hướng và chuẩn mực quốc tế.2- Giải pháp bảo đảm an sinh xã hội

Có nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được xây dựng, triển khai đồng bộ trong giai đoạn hiện nay; trong đó, có những giải pháp cụ thể, cấp bách, ngắn hạn nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống của nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, người lao động, người dân thời kỳ lạm phát và những giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn dân, toàn diện, hỗ trợ mọi người dân đối phó hiệu quả với các rủi ro, bảo đảm phúc lợi cho đối tượng xã hội, người lao động và gia đình cũng như toàn bộ cộng đồng.

a) Nhóm giải pháp về thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội

- Thực hiện điều chỉnh nâng mức trợ cấp đối với người có công từ ngày 1-5-2011 và theo dõi chặt chẽ tình hình đời sống người có công để hỗ trợ kịp thời những gia đình người có công gặp khó khăn.

- Bảo đảm thực hiện hiệu quả, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng xã hội quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, Nghị định số 13/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

- Trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn theo quy định tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ động đối phó với tình hình thiếu lương thực và khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; hướng dẫn các địa phương chủ động bám sát tình hình, tổ chức cứu trợ kịp thời cho những gia đình thiếu đói, sử dụng các nguồn kinh phí của địa phương, nguồn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn tài trợ khác đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả.

- Tăng cường các chương trình trợ giúp xã hội để hỗ trợ các thiếu hụt về thu nhập của người nghèo kinh niên và các đối tượng xã hội; đổi mới mô hình và hình thức cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, quản lý và giám sát đối tượng trợ giúp xã hội; nâng cao năng lực của người dân đối phó với rủi ro đột xuất.

- Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội và xem xét điều chỉnh mức chuẩn để tính mức trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tạo môi trường pháp lý, hành chính, xã hội cho các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và hòa nhập cộng đồng; huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức xã hội trợ giúp các đối tượng.

- Củng cố, quy hoạch và phát triển hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội, bao gồm các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, các Trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động và xã hội...; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên; hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cần thiết; bảo vệ môi trường trong cơ sở nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và trợ giúp đối tượng xã hội.

b) Nhóm giải pháp về giảm nghèo

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình, chính sách hiện hành có điều chỉnh, bao gồm: (b1) Chính sách hỗ trợ lao động nghèo, người thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định và tham gia thị trường lao động; hỗ trợ dân cư nông thôn dễ dàng tiếp cận đến các dịch vụ xã hội cơ bản; (b2) tuyên truyền, hỗ trợ đối với 40% dân số nông thôn hiện nay chưa tham gia bảo hiểm y tế; (b3) bổ sung nhóm đối tượng nghèo kinh niên được hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; (b4) tiếp tục xây dựng, thực hiện Nghị quyết về định hướng giảm nghèo thời kỳ 2011-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thời kỳ 2011- 2015 và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.

- Đổi mới nội dung hỗ trợ người nghèo; hoàn thiện việc theo dõi, giám sát và đánh giá các chương trình giảm nghèo; xã hội hóa nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực và điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ cơ sở để đáp ứng được yêu cầu công việc.

- Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ các hộ nghèo về tiền điện và các chính sách mới ban hành để bảo đảm thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng.

c) Nhóm giải pháp tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng dễ bị tổn thương và vùng đặc thù

- Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp.

- Tăng cường khả năng tiếp cận các chính sách và dịch vụ cho các đối tượng dễ bị tổn thương; góp phần giúp đối tượng thoát nghèo, hòa nhập cộng đồng xã hội và ổn định cuộc sống.

- Tiếp tục ưu tiên nguồn lực của Nhà nước đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng dễ bị tổn thương.

- Phát triển các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng gắn với hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp; nâng cao chất lượng đời sống của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

d) Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ người dân có việc làm, nâng cao thu nhập và tham gia thị trường lao động

- Theo dõi chặt chẽ tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các dự án phải dừng, giãn tiến độ để có các giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho người lao động mất việc nhanh chóng tìm được việc làm; theo dõi chặt chẽ tình hình lao động đang làm việc ở nước ngoài, kịp thời đề xuất các giải pháp để bảo đảm quyền lợi hợp pháp và an toàn cho người lao động. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao năng lực dự báo và cung cấp thông tin thị trường lao động tại các vùng nông thôn, vùng chuyển đổi cơ cấu đất đai; tổ chức việc làm tạm thời cho người lao động nghèo bị thất nghiệp, thiếu việc làm trong các hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo.

- Theo dõi tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động; nghiên cứu đề xuất giải pháp để cải thiện tiền lương, thu nhập để người lao động bớt khó khăn trong điều kiện lạm phát, giá cả sinh hoạt tăng cao; giảm nguy cơ tranh chấp lao động.

- Tiếp tục xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; xây dựng một hệ thống chính sách tín dụng thống nhất trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi hiện hành.

- Tập trung triển khai các Đề án dạy nghề hiện hành; triển khai các chương trình, dự án di dân, định canh, định cư cho người dân gắn với điều kiện cụ thể của các vùng, nhằm ổn định cuộc sống cho nhân dân, tạo điều kiện chuyển đổi nghề.

e) Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, hỗ trợ người dân tham gia các loại hình bảo hiểm

- Tổ chức tốt việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường lao động. Từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.

- Thí điểm chính sách hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhằm bảo đảm đời sống của người dân và duy trì sản xuất.

- Nghiên cứu và hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Nâng cao nhận thức và ý thức của người dân tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt chú trọng đối với nhóm người lao động trong khu vực phi chính thức, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Tăng cường tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế, chất lượng dịch vụ y tế đối với người hưởng dịch vụ bảo hiểm y tế.

f) Nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an sinh xã hội

Tăng cường hợp tác của cộng đồng quốc tế trong triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ các dự án kỹ thuật để thí điểm các chính sách, chương trình mới và nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện an sinh xã hội.

Theo Tạp chí Cộng sản online

Chia sẻ bài viết