24/02/2009 - 08:29

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thực hiện các giải pháp giúp ngành dệt may duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm và xuất khẩu

* Các giải pháp kích cầu đã bắt đầu tác động theo hướng tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh 
* Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường châu Á tăng mạnh
* Nhật Bản chính thức nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam

Ngày 23-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn và Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đều cho rằng, lợi thế rất lớn của ngành dệt may Việt Nam là xuất khẩu và giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu chiếm 65% tỉ trọng doanh thu, đứng thứ 10 trong các quốc gia trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này và giải quyết việc làm lớn nhất trong các ngành công nghiệp (2 triệu lao động). Do vậy, các chính sách hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại và các chính sách trợ giúp cho người lao động, đầu tư, nội địa hóa... là rất cần thiết giúp ngành vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm. Trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ đều nhất trí các chính sách hỗ trợ ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, tín dụng, thuế...

Chia sẻ khó khăn của ngành dệt may trước bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt may đã đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các mục tiêu và giải pháp cụ thể về xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành dệt may đóng góp 15% giá trị xuất khẩu và sử dụng lao động lớn nhất trong các ngành công nghiệp. Trong những năm qua, ngành dệt may mà chủ lực là Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng liên tục và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao (38%), doanh thu và lợi nhuận chiếm 16% trên vốn chủ sở hữu, thu nhập người lao động và nộp ngân sách tăng… Đặc biệt là trong bối cảnh biến động của thị trường nhưng Tập đoàn đã chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp giữ việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ nhưng hạn chế của ngành như: Chưa tạo được bước đột phá về thương hiệu, vốn chủ sở hữu thấp, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao - vừa giải quyết việc làm vừa nâng cao giá trị hàng hóa, tiêu thụ nội địa thấp…

Về kế hoạch phát triển năm 2009, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dệt May Việt Nam bám sát chiến lược đã phê duyệt, phấn đấu năm 2020 đạt doanh thu xuất khẩu 25 tỉ USD và giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động. Để triển khai quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 10-10,5 tỉ USD trong năm nay- đây không chỉ giá trị mà giải quyết việc làm cho người lao động. Theo đó, Tập đoàn cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành để có được giá bán phù hợp với thị trường nhưng vẫn duy trì được lao động và thu nhập cho người lao động, hoàn thiện cơ chế tài chính, đào tạo nguồn nhân lực… gắn kết cùng Hiệp hội để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa về chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, lao động, tài chính và thuế.

* Ngày 23-2-2009, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số: 58/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 18-2-2009 bàn thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Thông báo nêu rõ, sau khi nghe báo cáo của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động- Thương binh và Xã hội, ý kiến của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận: Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội mới ban hành trong thời gian ngắn nhưng các Bộ, ngành đã khẩn trương triển khai thực hiện. Các giải pháp kích cầu, trước hết là các chính sách tài chính, tiền tệ đã bắt đầu tác động theo hướng tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các Bộ, ngành phải chủ động thực hiện các giải pháp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để triển khai đồng bộ, quyết liệt và cụ thể hơn nhằm thực hiện cho được mục tiêu đã đề ra.

* Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), trước tình hình xuất khẩu thủy sản các thị trường Châu Âu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước đã chủ động chuyển hướng sang các thị trường châu Á và các thị trường nhỏ hơn nên hạn chế được phần nào sự sụt giảm mạnh xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến với tỷ lệ gần 200%; Singapore tăng 121%, tiếp đến là Hàn Quốc...

Theo các chuyên gia ngành thủy sản dự báo, tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng tới vẫn bị tác động bởi nhu cầu giảm ở các nước nhập khẩu chính do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn hy vọng vào các thị trường mới và các thị trường có nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Singapore... Để đẩy mạnh sang xuất khẩu sang thị trường châu Á, lãnh đạo Bộ khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu...

* Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong tháng 2-2009, cả nước đã xuất khẩu trên 9.000 tấn cao su, đạt 13,4 triệu USD.

Theo Bộ Công Thương, thời gian này hầu hết giá xuất khẩu các loại cao su đều tăng như: cao su SVR3L tăng 168 USD/tấn lên 1.364 USD/tấn, trong đó giá xuất sang Trung Quốc đạt trung bình 1.359 USD/tấn, Hàn Quốc đạt 1.262 USD/tấn, Malaysia đạt 1.332 USD/tấn.

Giá xuất khẩu một số chủng loại cao su khác cũng tăng 50 đến 145 USD/tấn như cao su SVR10, SVRCV60, CSRL... Giá xuất khẩu mủ cao su Latex cũng tăng 130 USD/tấn, đạt 1.137 USD/tấn so với cuối năm 2008. Riêng tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc rất nhộn nhịp, giá cũng tăng 400 NDT/tấn so với cuối tuần trước lên 11.300 NDT/tấn.

* Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chiều 23-2, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức thông báo nối lại viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hirofumi Nakasone tại Thủ đô Tokyo, ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ, cho biết Nhật Bản đã chính thức thông báo việc nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ 17 giờ 30 ngày 23-2 (giờ địa phương) thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Nhật Bản cũng cam kết sẽ đưa ra khoản tài trợ mới cho Việt Nam trong năm tài chính 2009, với tổng trị giá 83,2 tỉ yên (tương đương 900 triệu USD), để phía Việt Nam thực hiện các dự án đường xe điện ngầm ở thành phố Hà Nội, các dự án xây dựng cầu, đường, tỉnh lộ, các dự án thoát nước và vệ sinh môi trường ở Hà Nội và TP Hải Phòng.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết