21/11/2016 - 20:54

Thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Trong tiến trình công nghiệp hóa, sản xuất công nghiệp theo hướng sạch hơn, bền vững hơn được xem là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, việc áp dụng sản xuất sạch của doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Quá trình sản xuất công nghiệp không thể tách rời trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

*Còn nhiều thách thức

Nhận diện được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, ngày 7-9-2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020" (gọi tắt là Quyết định 1419). Chiến lược này đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, có 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nhiệp sẽ áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm được 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Cũng trong giai đoạn này, mục tiêu của Chiến lược là 90% các Sở Công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

DN chế biến thủy sản có thể giảm tải lượng nước và lưu lượng nước thải để sản xuất sạch hơn. Trong ảnh: Chế biến tôm tại Công ty TNHH thực phẩm xuất khẩu Nam Hải, TP Cần Thơ.

Thực hiện Quyết định 1419 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương TP Cần Thơ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn theo hướng sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tiết kiệm, quản lý nội vi hiệu quả, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành công nghiệp thành phố. Theo bà Bùi Thị Nga, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường, Sở Công thương TP Cần Thơ, thời gian qua, Sở đã phổ biến, tuyên truyền và tập huấn cho doanh nghiệp thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn. Không ít đơn vị chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường gắn liền với phát triển sản xuất. Một số doanh nghiệp còn quan niệm việc xử lý môi trường chỉ là thực hiện các biện pháp xử lý cuối đường ống.

Tương tự như TP Cần Thơ, việc áp dụng sản xuất sạch hơn ở các địa phương vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp- Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: Từ khi có Quyết định 1419, Sở đã tranh thủ các nguồn lực triển khai sản xuất sạch hơn tập trung vào các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông thủy sản và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp; đồng thời xây dựng mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn. Các chương trình sản xuất sạch hơn của tỉnh được triển khai bước đầu khá tốt, song hiệu quả chưa cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn chỉ dừng lại ở những giải pháp đơn giản, ít tốn chi phí, còn đối với các giải pháp lớn cần nhiều chi phí đầu tư để mang lại hiệu quả cao hơn vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay, các văn bản hướng dẫn về nội dung, định mức chi cho hoạt động sản xuất sạch hơn chưa cụ thể, nên việc tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn còn hạn chế.

* Chung tay hành động

Việc thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất sạch hơn không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mà còn giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Tại Hội thảo "Áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp theo xu hướng hiện nay" do Sở Công thương TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, các chuyên gia sản xuất sạch hơn, cho rằng: TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần xây dựng các điển hình về sản xuất sạch hơn và chứng minh được hiệu quả kinh tế khi thực hiện sản xuất sạch hơn để làm cơ sở nhân rộng ra các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các giải pháp như: giảm phát thải tại nguồn; giải pháp tuần hoàn đối với các loại dòng thải; giải pháp thay đổi hoặc cải thiện chất lượng sản phẩm. Chủ động cải tiến thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ mới, thay thế những nguyên vật liệu có tác động xấu đến môi trường…

Doanh nghiệp công nghiệp ở ĐBSCL chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông thủy sản, cơ khí, may mặc, bao bì… Cơ hội áp dụng sản xuất sạch hơn trong các ngành này là rất lớn nếu có sự quyết tâm, vào cuộc của doanh nghiệp. Theo phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản có thể giảm lượng nước và lưu lượng nước thải, giảm tiêu thụ nước và điện năng. Ngành chế biến thức ăn gia súc có thể kiểm soát phát sinh mùi, giảm tiêu thụ nhiên liệu từ lò đốt. Ở ngành chế biến giấy, bao bì cần phải giảm lượng nước thải, giảm tiêu thụ nhiên liệu từ lò hơi. Ngành may mặc, da giày cần giảm lưu lượng nước thải và kiểm soát lượng tiêu thụ nước. Ngành chế biến thực phẩm giảm tải lượng nước thải, nhiên liệu đốt, sử dụng phụ phẩm… Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Xuân Thắng, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Môi trường Hoa Lư (TP Hồ Chí Minh), phát triển công nghiệp kéo theo các hệ lụy về môi trường, trong đó, vấn đề ô nhiễm không khí sẽ ngày càng nặng nề hơn tại các thành phố lớn. Để xử lý nguồn ô nhiễm khi thải, các doanh nghiệp cần hiểu biết về nguồn và chất ô nhiễm để cô lập tối đa và thu gom triệt để. Vấn đề là phải lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với chi phí hợp lý, gia công lắp đặt công nghệ xử lý phù hợp và vận hành đúng quy trình.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), TP Cần Thơ, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động, triển khai các chiến lược sản xuất sạch hơn, thể hiện các mục tiêu cụ thể, những việc cần làm, phân công trách nhiệm cho các thành phần trong xã hội, thời gian thực hiện, các nguồn lực cần có và kết quả dự kiến đạt được. Để đảm bảo sự thành công của chính sách sản xuất sạch hơn cần phải tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp trong từng ngành và giữa các ngành. Cần nhất là sự kiên quyết chỉ đạo của lãnh đạo, chính quyền địa phương trong thực hiện chiến lược sản xuất sạch. Chẳng hạn như: hỗ trợ tài chính phải đi đôi với vận động, ban hành các chính sách khen thưởng, giảm thuế cho doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp sản xuất sạch hơn hiệu quả, bố trí nguồn lực cho đầu tư nghiên cứu, đào tạo huấn luyện sản xuất sạch hơn để nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết