09/11/2016 - 22:08

Thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt

Xu hướng công nghệ vạn vật kết nối hay Internet của vật dụng (IoT) đang và sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, nhưng áp lực cạnh tranh cũng rất lớn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp CNTT Việt Nam liên tục đổi mới, sáng tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ theo xu thế mới.

*Phạm vi ứng dụng rộng

Thời gian qua, đã có nhiều ứng dụng CNTT phục vụ nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như: ứng dụng SmartAgri quản lý sản xuất nông nghiệp trong trồng dưa lưới tại khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, SmartAgri là hệ thống phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn. Hệ thống được xây dựng từ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố, phát triển bởi Công ty Global CyberSoft (Việt Nam) trên nền tảng các công nghệ mới bao gồm IoT, phân tích dữ liệu lớn (Big data Analytics) và triển khai trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing) của Công viên Phần mềm Quang Trung. Qua quá trình ứng dụng SmartAgri từ cuối năm 2015, có thể khẳng định, SmartAgri giúp cung cấp các sản phẩm đầu ra chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp cho nông dân giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu so với các hệ thống của đối tác nước ngoài. Đây là bước đột phá trong việc phát triển các ứng dụng IoT phục vụ đời sống, giúp nông dân làm chủ nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tham quan các sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông Việt tại Hội thảo Sản phẩm và Dịch vụ công nghệ thông thương hiệu Việt năm 2016 tại TP Cần Thơ.

Trong hoạt động điều hành của Chính phủ, các ứng dụng này giúp việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp các dịch vụ và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao tính minh bạch và bình đẳng. Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước. Việc ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân. TP Cần Thơ từng bước ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ CNTT xây dựng chính quyền điện tử nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, hiện nay, Trung tâm dữ liệu thành phố cơ bản đáp ứng việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính nhà nước theo mô hình tập trung. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước đến cấp xã, phường. Máy tính có kết nối Internet được trang bị cho hầu hết cán bộ công chức viên chức. Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành từng bước được mở rộng. Theo đó, phần mềm quản lý văn bản và điều hành 100% sở, ban ngành, UBND quận, huyện đã được đầu tư. Phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến triển khai ở 19 sở, ngành; 9 quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, tích hợp công cụ tổng hợp thủ tục hành chính, qua đó lãnh đạo thành phố có thể kiểm tra tình hình giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị. Bên cạnh đó, triển khai thí điểm mô hình đánh giá mức độ hài lòng của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa quận Ô Môn. Thời gian tới sẽ triển khai mô hình này đến sở, ngành và các quận, huyện còn lại nhằm tăng cường kết nối giữa người dân và cán bộ cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong phục vụ nhân dân. Ngoài ra, thành phố đang trình phê duyệt đề án xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng cho việc ứng dụng CNTT đồng bộ, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu chủ động hơn. Dự án 3 của Ngân hàng Thế giới thực hiện tại TP Cần Thơ, trong đó hợp phần tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu giúp thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu không gian trên nền tảng mở.

* Nắm bắt xu hướng

Hiện nay, với xu thế phát triển của IoT, các doanh nghiệp CNTT và viễn thông Việt Nam không nằm ngoài cuộc và nhiều đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận xu hướng này.

Giải pháp hoàn chỉnh về IoT được đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT là VNPT Technology xây dựng và phát triển, hỗ trợ rất nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, y tế, công nghiệp... Các giải pháp công nghệ này không thua kém gì giải pháp của các hãng CNTT lớn trên thế giới, giúp VNPT đón đầu xu hướng phát triển này của thế giới. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển công nghệ IoT, Công ty VNPT Technology, cho biết: Nền tảng IoT của VNPT có tên gọi Smart Connected Platform (SCP). SCP là một nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to - End. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng mở được VNPT cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực. Trên nền tảng này, VNPT đã phát triển một số ứng dụng quản lý trong các lĩnh vực như: giao thông vận tải, nông nghiệp, môi trường, ngôi nhà thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe, vận hành và giám sát trong nhà máy… giúp tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát và sử dụng tài nguyên.

Là một trong những tập đoàn CNTT và viễn thông hàng đầu Việt Nam, FPT nghiên cứu, cung cấp giải pháp và dịch vụ CNTT theo xu hướng IoT. Trong đó, giải pháp giao thông thông minh đã được ứng dụng hiệu quả tại TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Đức Minh Quân, Công ty Hệ thống thông tin FPT, chia sẻ: Kênh cung cấp thông tin giao thông ứng dụng IoT sử dụng dữ liệu mở, đa kênh và thời gian thực giúp cung cấp thông tin chính xác, tức thời cho người dân. Cụ thể, giao tiếp thông tin đa kênh qua website, ứng dụng điện thoại, chatbot; dễ dàng tích hợp với các hệ thống camera hiện hữu, đường truyền camera được nén và mã hóa giúp tối ưu hóa băng thông và đảm bảo an toàn thông tin. Bên cạnh đó, ứng dụng IoT giúp xử lý dữ liệu lớn, xử lý hình ảnh và phân tích tình trạng giao thông tức thời. Tình trạng giao thông được theo dõi và tự động phát hiện những bất thường, đưa ra những cảnh báo kịp thời. Kênh thông tin giao thông còn cung cấp cho người dân các thông tin hướng dẫn giao thông trực quan, chính xác. Các thông tin được cập nhật bởi các đơn vị quản lý bằng các công cụ hỗ trợ đơn giản, dễ sử dụng…

Thời gian qua, Tập đoàn Viettel tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển sản phẩm IoT. Qua đó, đã có nhiều sản phẩm tiêu biểu phục vụ trong các lĩnh vực cuộc sống. Chẳng hạn, trong lĩnh vực giáo dục có giải pháp: hệ thống quản lý thi THPT quốc gia, hệ thống thông tin quản lý giáo dục; lĩnh vực giao thông có hệ thống thu phí tự động không dừng, hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ở cấp Chính phủ, Viettel cung cấp hệ thống hải quan một cửa, hệ thống quản lý văn bản, dữ liệu…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết