Bài, ảnh: ÁI LAM
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP (Nghị quyết số 82) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Trong đó, chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển du lịch.
Phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam. Trong ảnh: Trải nghiệm vườn dâu tại Phong Điền, TP Cần Thơ.
Nghị quyết số 82 chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn ngành Du lịch Việt Nam đang cần được tháo gỡ. Điển hình như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư vào du lịch chưa đột phá; chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng; các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế, thiếu sự liên kết; hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức sự kiện... chưa đồng bộ. Chính sách visa cho khách quốc tế chưa ưu đãi, do thời hạn tạm trú ngắn. Thiếu nguồn ngân lực chất lượng cao, chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển, thiếu đồng bộ…
Với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” và mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới; Nghị quyết số 82 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội nghề nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền tổ chức thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cụ thể: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đặc biệt chú trọng việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch; tăng cường công tác thống kê, thông tin; xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung liên kết phát triển sản phẩm, thị trường, kết nối tour tuyến liên vùng; phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vào phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đa sắc màu văn hóa địa phương; chú trọng liên kết du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị gắn với phát triển xanh, bền vững.
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương; phối hợp với các bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam. Giao Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi xuất nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế; nghiên cứu, đánh giá báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa)… Bộ Quốc phòng ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình kiểm tra, kiểm soát đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các hoạt động xuất, nhập cảnh. Bộ Giao thông vận tải triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam.