21/02/2019 - 08:56

Thúc đẩy logistics tại Cần Thơ phát triển xứng tầm 

Để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại địa phương và góp phần thúc đẩy phát triển chung cho vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần có các giải pháp, hành động kịp thời để đưa hoạt động logistics phát triển xứng tầm là trung tâm của vùng và kết nối tốt với các địa phương. Đây là vấn đề được quan tâm đặt ra tại hội thảo “Phát triển mạng lưới logistics của TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện Kinh tế Xã hội TP Cần Thơ phối hợp Đại học Quốc tế Hồng Bàng và các đơn vị liên quan tổ chức tại Cần Thơ ngày 20-2.

Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ. 

Yêu cầu cấp thiết

Hiện nay, hoạt động logistics tại TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL nói chung còn mới trong giai đoạn đầu của phát triển, chưa phát huy đầy đủ vai trò để góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, nhất là hoạt động kinh doanh sản phẩm nông nghiệp- thế mạnh của vùng.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: "Trước xu thế hội nhập, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu vực ĐBSCL ngày càng tăng, cần có hệ thống logistics hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảm chi phí nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong vùng. Thời gian qua,  phần lớn các loại hàng hóa của vùng ĐBSCL phải trung chuyển lên các cảng ở miền Đông Nam Bộ để xuất khẩu, chi phí tăng thêm ít nhất khoảng 10 USD/tấn. Do vậy,  với vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng, Cần Thơ phải có hệ thống logistics phát triển xứng tầm để thu hút hàng từ các tỉnh về thành phố xuất khẩu trực tiếp đi các nơi". Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cảng- Kỹ thuật biển (Portcoast), cho rằng: "ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, có vai trò quan trọng phát triển kinh tế quốc gia. Do vậy, cần đẩy mạnh phát triển logistics để tạo thuận lợi cho giao thương và nâng cao được sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trong vùng".

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế và vai trò quan trọng phát triển mạng lưới logistics của vùng ĐBSCL. Chính phủ và các bộ ngành Trung ương chủ trương đồng ý quy hoạch, cho xây dựng một trung tâm logistics hạng 2, cấp vùng đặt tại quận Cái Răng. Quy mô Trung tâm logistics dự kiến ở mức tối thiểu 30ha vào năm 2020 và phát triển 70ha vào năm 2030 phục vụ TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau. Để đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Công thương xin điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 tại Cần Thơ từ  74ha lên 242,2ha và  cũng đã được Trung ương đồng ý. Hiện Sở Công thương TP Cần Thơ đang khẩn trương thực xây dựng quy hoạch cụ thể để triển khai. Dự kiến trong quý I và quý II-2019, sẽ hoàn thành quy hoạch và tiến hành triển khai các bước tiếp theo, mời gọi các nhà đầu tư…

Tìm hướng đầu tư phù hợp

Nhằm thúc đẩy đầu tư, phát triển phù hợp hệ thống logistics, TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu "Phát triển mạng lưới logistics của TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Chủ nhiệm đề tài là Phó Giáo sư, tiến sĩ Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thu thập các thông tin, số liệu để phân tích, đánh giá hiện trạng, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của logistics tại thành phố và vùng ĐBSCL. Qua đó, đề xuất, định hướng, chiến lược cụ thể về phát triển mạng lưới logistics cho thành phố.  Các ý kiến thảo luận và đề xuất của đại biểu tại hội thảo "Phát triển mạng lưới logistics của TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu, chắt lọc, bổ sung để hoàn thiện kết quả nghiên cứu. 

Để thúc đẩy logistics của vùng ĐBSCL phát triển, tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp kiến nghị chính quyền các địa phương và Trung ương cần quan tâm tháo gỡ kịp thời nút thắt về "vận tải lớn" cho vùng. Hiện nay, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL còn gặp khó trong việc vận tải hàng hóa bằng đường biển bằng tàu hàng có tải trọng lớn do luồng hàng hải chưa đảm bảo tàu hàng lớn vào các cảng trong vùng. Vùng ĐBSCL cũng còn thiếu các phương thức vận tải hàng hóa lớn bằng các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Do vậy, không nên chỉ tập trung lo giải quyết vướng mắc về vận tải hàng hóa lớn bằng đường thủy mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, ưu tiên phát triển các loại hình vận tải lớn có thể triển khai ngay. Cụ thể, đầu tư mở các chuyến bay vận tải để khai thác tốt Sân bay Quốc tế Cần Thơ; đầu tư, nâng cấp hạ tầng đường bộ để đảm nhận tốt hơn việc vận tải hàng hóa, sớm mở đường sắt về ĐBSCL…Theo nhiều doanh nghiệp, 3 thành tố quan trọng của logistics là vận tải lớn, hạ tầng bến bãi và dịch vụ hậu cần. Nếu giải quyết tốt được nút thắt về vận tải lớn, các khâu còn lại sẽ được thúc đẩy phát triển mạnh.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, kết quả nguyên cứu của đề tài là rất hữu ích và thiết thực để thành phố thúc đẩy phát triển logistics trên cơ sở kết hợp triển khai các quy hoạch, quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về logistics, về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông… Qua đó, thúc đẩy đưa hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ một cách nhanh chóng, thuận lợi, với chi phí thấp nhất.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
logistics