01/02/2023 - 12:25

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế 

Bài, ảnh: NG.NGÂN

Các cơ sở giáo dục ở TP Cần Thơ thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động tạo môi trường nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên; đồng thời đa dạng hóa hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế... Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Học sinh Cần Thơ tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2022-2023 vào tháng 1-2023.

Học sinh Cần Thơ tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2022-2023 vào tháng 1-2023.

Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố học sinh trung học năm học 2022-2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ tổ chức vào tháng 1-2023, có 116/172 dự án được trao giải, trong đó có 6 giải Nhất. Ban tổ chức cuộc thi đã chọn 2 trong 6 dự án đạt giải Nhất để dự Cuộc thi cấp toàn quốc được tổ chức vào tháng 3-2023. Ðó là dự án “Những giải pháp nhằm lan tỏa sự hứng thú với môn Lịch sử dành cho học sinh Trường THPT Thới Long” của học sinh Trường THPT Thới Long, quận Ô Môn; dự án “Phần mềm NVN - Sắc màu Anh ngữ kỳ thú cho học sinh bậc THCS” của học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng.

Theo ông Huỳnh Thanh Lộc, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GĐ&ĐT TP Cần Thơ, các đề tài tham gia cuộc thi được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học và được đầu tư về kinh phí. Đa số các đề tài đều có giá trị thực tiễn, xuất phát từ những yêu cầu trong quá trình học tập, sinh hoạt và lao động, đặc biệt là các vấn đề có tính thời sự, là thành quả của quá trình dạy học STEM trong trường trung học. Các sản phẩm đều có tính mới, cập nhật được những thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các em học sinh đã vận dụng tốt các kiến thức được học trong nhà trường, biết tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để chế tạo sản phẩm phong phú, đa dạng. Học sinh trình bày sản phẩm nghiên cứu tốt hơn, tự tin hơn, thể hiện sự hiểu biết và nghiên cứu sâu về quá trình tạo ra sản phẩm, một số học sinh có khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh rất tốt.

Kể từ lần đầu tiên Sở GD&ĐT thành phố tổ chức cuộc thi vào năm 2014, đến nay cuộc thi đã trở thành sân chơi trí tuệ, khơi dậy khả năng sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh. Thông qua cuộc thi, còn giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học. Điển hình như dự án “Phần mềm NVN - Sắc màu Anh ngữ kỳ thú cho học sinh bậc THCS” của em Nguyễn Nhật Quang Vinh, học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, đoạt giải Nhất cuộc thi cấp thành phố. Để thực hiện hiệu quả dự án, ngoài kiến thức phổ thông, Quang Vinh dành nhiều thời gian tìm tòi nghiên cứu tài liệu trên mạng và phát huy kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ, tin học.

Bên cạnh Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố, học sinh Cần Thơ được tạo điều kiện tham gia nhiều cuộc thi, hoạt động trải nghiệm để rèn kỹ năng nghiên cứu, ngoại ngữ như Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên - Nhi đồng, cuộc thi “Sân chơi Khoa học ứng dụng FIRST LEGO League (FLL)”, thi STEM, thi Olympic tiếng Anh… Để tham gia cuộc thi đạt hiệu quả, các trường học đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm tại trường. Chẳng hạn, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa dạy và học tiếng Anh thông qua tổ chức các hoạt động: Góc đọc tiếng Anh (Reading Corner), thi làm video clip, rung chuông vàng… Trường THPT Châu Văn Liêm có các câu lạc bộ, đội, nhóm thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm khoa học, giao lưu tiếng Anh. Còn Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, ngoài các câu lạc bộ học thuật ở các môn học (trong đó có tiếng Anh, tiếng Pháp), trường còn có phòng "Không gian Pháp", đây là nơi học sinh tìm sách, tài liệu, tranh ảnh để nghiên cứu, tự trau dồi.

* * *

Sinh viên quốc tế tham gia chương trình đi bộ chủ đề “Bước chân ngày xuân - mang Tết về nhà” của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Sinh viên quốc tế tham gia chương trình đi bộ chủ đề “Bước chân ngày xuân - mang Tết về nhà” của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Ở các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế thể hiện rõ nét trong các câu lạc bộ học thuật, đội nhóm, giao lưu sinh viên quốc tế… Tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nổi bật có Đội sinh viên hỗ trợ Công bố quốc tế - nơi kết nối nhiều sinh viên yêu thích nghiên cứu khoa học, giao lưu sinh viên quốc tế. Trần Lâm Thái Bảo, sinh viên ngành Y khoa khóa 45, cho biết việc tham gia đội giúp sinh viên học hỏi và tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện bài báo nghiên cứu để đăng tạp chí quốc tế. Sau hơn 1 năm hoạt động, nhóm Thái Bảo tham gia đã hỗ trợ khoảng 10 bài báo quốc tế. Trong quá trình thực hiện, khó nhất là dịch thuật một số kiến thức chuyên ngành sao cho sát nội dung đề tài; song được sự  hỗ trợ các thầy cô có kinh nghiệm về chuyên môn, ngoại ngữ, sau này nhóm đã thực hiện tốt hơn. Thái Bảo chia sẻ: “Sinh viên học được nhiều kỹ năng nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ, kỹ năng mềm; đồng thời được mở rộng kiến thức ngoài lĩnh vực chuyên ngành đang học. Bản thân tôi trưởng thành hơn rất nhiều từ khi tham gia hoạt động này. Ví dụ như trước đây mất 20-30 phút thậm chí cả ngày để đọc, nắm rõ bài báo khoa học tiếng Anh; thì nay chỉ cần 5-10 phút”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thắng, Phó trưởng Phòng Khoa học công nghệ và Quan hệ đối ngoại, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, khi tham gia đội, nhóm, giúp ích cho sinh viên rất nhiều về rèn kỹ năng mềm, công nghệ thông tin, nâng cao năng lực ngoại ngữ. Các hoạt động quan hệ đối ngoại, như giao lưu sinh viên trường và sinh viên quốc tế, đã thay đổi cách làm việc của giảng viên, nhân viên, sinh viên. Sinh viên cũng có thêm kỹ năng ngoại ngữ lưu loát, làm quen ngôn ngữ bản xứ nhiều hơn bên cạnh nâng cao kỹ năng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Theo Ban Giám hiệu Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, hoạt động nghiên cứu khoa học, giao lưu sinh viên quốc tế được trường chú trọng, bởi đây là nền tảng để trường nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế của đơn vị. Trường có trên 95% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học, phần lớn được đào tạo ở nước ngoài. Đây là lực lượng cốt cán trong giảng dạy và kết nối với các đối tác ngoài nước. Đơn cử như trường đã xây dựng “Góc Hàn Quốc” giúp sinh viên tìm hiểu về kinh tế - xã hội, văn hóa đất nước và con người xứ Kim Chi. Nguyễn Quốc Trọng, sinh viên ngành Quản trị mạng máy tính của trường, cho biết: “Chúng tôi được tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, giao lưu sinh viên quốc tế… Qua đó có thêm động lực học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ”.

* * *

Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định vai trò quan trọng của các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Thành ủy Cần Thơ có Ðề án số 09-ÐA/TU về giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2030. Thành phố nhiều năm qua luôn duy trì chính sách đa ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông. Ngành Giáo dục thành phố đã tích cực nâng cao hiệu quả giảng dạy ngoại ngữ; đẩy mạnh việc hợp tác, giao lưu quốc tế... Công tác này lan tỏa đến các trường, từ phổ thông đến đại học, với những hoạt động thiết thực, tạo môi trường học thuật giúp học sinh trải nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong bối cảnh hội nhập.

Chia sẻ bài viết