Năm 2018, TP Cần Thơ giải quyết việc làm cho 63.699 lao động, trong đó, có 255 lao động đi làm việc ở nước ngoài (XKLĐ). Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, năm qua, ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích, thu hút sự quan tâm của gia đình và lao động mạnh dạn đăng ký XKLĐ. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác XKLĐ...

Nhân viên Trung tâm DVVL thành phố tư vấn, giới thiệu thông tin tuyển dụng XKLĐ cho người lao động.
Đẩy mạnh truyền thông từ cơ sở
Những ngày đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ “mở hàng” với hoạt động phối hợp Phòng LĐ-TB&XH quận Thốt Nốt tổ chức Ngày hội việc làm tại phường Tân Lộc, thu hút khoảng 280 lao động. Ngày hội việc làm có 28 doanh nghiệp, đơn vị tham gia trực tiếp và ủy thác, với 9.343 chỗ làm việc trống cần tuyển lao động. Trung tâm mời 3 công ty XKLĐ tại TP Hồ Chí Minh- đối tác của Trung tâm thời gian qua- trực tiếp tư vấn, giới thiệu các đơn hàng tuyển dụng. Kết thúc ngày hội, có 86 lao động được kết nối việc làm trong và ngoài nước. Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Thốt Nốt, nhờ phối hợp đa dạng hình thức truyền thông về các thị trường XKLĐ đến người dân, năm 2018, quận có 29 người XKLĐ sang các nước làm việc, thu nhập ổn định.
Ông Võ Minh Chính, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cờ Đỏ, cho biết, năm qua, huyện phối hợp lồng ghép tăng cường thông tin thị trường lao động ngoài nước đến các xã, thị trấn; đưa lao động và thân nhân tham gia các buổi tư vấn, sơ tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản hay cử cán bộ tham quan hoạt động các công ty XKLĐ tại TP Hồ Chí Minh… Năm 2018, toàn huyện có 33 lao động sang làm việc tại các nước, hầu hết công việc ổn định, lương cao. Ông Nguyễn Thanh Vân, xã Thới Xuân, có 2 con trai làm việc tại Nhật Bản, phấn khởi: “Nhờ được tư vấn cụ thể về các đơn hàng tuyển dụng nên tôi an tâm dốc sức lo cho các con sang Nhật làm việc. Qua đó, không chỉ giúp các con có thu nhập cao, còn rèn luyện tác phong, học hỏi kỹ năng làm việc chuyên nghiệp”.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, năm 2018, thành phố có 255 người XKLĐ, đạt 102% kế hoạch; tăng 14,35% so với năm 2017. 3 năm qua (2016 - 2018), thành phố có 685 người XKLĐ theo hợp đồng. Đa số là lao động phổ thông tập trung các nhóm ngành nghề: xây dựng, cơ khí, điện tử, đóng gói, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ nhựa, may công nghiệp, nông nghiệp, giúp việc nhà…, với mức lương từ 14 - 48 triệu đồng/người/tháng (Nhật Bản và Hàn Quốc thu nhập cao nhất từ 26 - 48 triệu đồng/ngưởi/tháng).
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo Trung tâm DVVL thành phố, Trung tâm chú trọng làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn nhằm giúp lao động thông hiểu các thông tin XKLĐ về tiêu chuẩn, chi phí, mức lương, chế độ… Trong đó, tăng cường thông tin các chương trình “Tuyển chọn ứng viên điều dưỡng sang học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức”; “Tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản” và “Tuyển chọn ứng viên Chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan)”. Năm 2018, Trung tâm còn tổ chức nhiều chương trình “Họp mặt thân nhân lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” thông qua các công ty XKLĐ với nội dung sinh động, thiết thực, thu hút nhiều lao động tham gia. Đồng thời, phối hợp Haindeco Sài Gòn tổ chức các buổi “Tư vấn và tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản”, cung cấp thông tin tuyển dụng của Nghiệp đoàn Nhật Bản và giải đáp thắc mắc về chế độ làm việc, tiền lương, phúc lợi… đến lao động.
Ông Võ Anh Tuấn, đại diện Haindeco Sài Gòn, cho biết: “Công ty phối hợp khá tốt với Trung tâm DVVL TP Cần Thơ cung cấp các thông tin chính thống giúp người dân thông hiểu về XKLĐ. Qua đó, hằng năm, Công ty tiếp nhận nhiều lao động Cần Thơ đăng ký tham gia XKLĐ với việc làm, thu nhập ổn định cũng như tạo nguồn các năm kế tiếp”. Trung tâm còn tổ chức đưa 2 đoàn gồm cán bộ ngành chức năng, thân nhân và lao động đang làm việc ở các nước hoặc có ý định XKLĐ tham quan hoạt động 4 công ty XKLĐ tại TP Hồ Chí Minh để lựa chọn thị trường, ngành nghề phù hợp điều kiện gia đình, bản thân.
Tuy công tác XKLĐ của thành phố năm qua khởi sắc nhưng còn một số hạn chế nhất định. Ngành chức năng chú trọng truyền thông nhưng chưa đều khắp, nhiều lao động chưa tiếp cận đầy đủ và kịp thời thông tin chính thống về XKLĐ nên còn phân vân. Lao động tham gia dự tuyển XKLĐ chủ yếu chưa qua đào tạo nghề hoặc trình độ nghề và ngoại ngữ còn thấp. Đa số lao động (không thuộc diện hỗ trợ theo quy định) có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài gặp khó khăn về tài chính, trong khi nhà nước chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể…
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, cho biết: Để đạt chỉ tiêu đưa 280 người XKLĐ năm 2019, Trung tâm DVVL thành phố tăng cường truyền thông chính thống để nâng cao nhận thức các ngành, các cấp, đoàn thể và người dân về XKLĐ; mở rộng đối tượng hỗ trợ ưu đãi diện chính sách và bổ sung vốn hỗ trợ lao động dự tuyển khó khăn về tài chính. Cùng với khuyến khích lao động chọn các ngành nghề phù hợp mục tiêu phát triển công nghiệp thành phố, thời gian tới, Trung tâm tổ chức đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề và phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật, văn hóa nước sở tại và các văn bản pháp lý liên quan quyền, nghĩa vụ người lao động trước khi XKLĐ. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm thiểu tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, chú trọng khai thác các nghề trình độ cao, thu nhập ổn định để lao động có lựa chọn phù hợp.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG