10/06/2023 - 08:41

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo 

NGỌC TIẾN

Thí điểm xây dựng mô hình phòng học thông minh, tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CÐS) trong quản lý, dạy và học… đang được ngành Giáo dục TP Cần Thơ thực hiện, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ÐT).

Ngày hội giáo dục STEM cấp tiểu học năm học 2022-2023 được tổ chức tại Trường Tiểu học Ngô Quyền. Ảnh: B.NG

Số hóa trong quản lý, dạy và học

TP Cần Thơ hiện có 447 trường học, trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 76,96%; với khoảng 250.000 học sinh các cấp học. Ngành có 14.480 viên chức, nhân viên; trong đó 100% cán bộ quản lý đạt và vượt chuẩn. Lực lượng đội ngũ nhà giáo được đánh giá đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đủ đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ÐT.

Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, việc thực hiện ứng dụng CNTT, CÐS trong hoạt động giáo dục đã được thực hiện nhiều năm qua. Ðặc biệt từ năm 2020 ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành đã linh hoạt thích ứng, đảm bảo mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo chương trình dạy và học. Gần đây, ngành Giáo dục thành phố, quận, huyện, các trường học trên địa bàn đã thực hiện nhiều phong trào hoạt động ứng dụng CNTT, CÐS. Nổi bật là đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM/STEAM trong các cấp học. Ở bậc tiểu học, từ 10 trường tiểu học tham gia thí điểm giáo dục STEM năm học 2022-2023; sắp tới thành phố nhân rộng 100% trường tiểu học trên địa bàn thành phố thực hiện STEM. Ngoài việc tổ chức hình thức bài học STEM, các trường tiểu học (kể cả các trường THCS, THPT) còn đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục, như: hoạt động trải nghiệm STEM thông qua các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt các không gian trải nghiệm STEM, các hội thi cấp trường… CÐS là một xu thế tất yếu và phương thức tiếp cận liên môn, liên ngành thông qua giáo dục STEM phù hợp để nâng cao các kiến thức và kỹ năng về CÐS cho người học.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thành phố đã trang bị 31 phòng họp trực tuyến để tổ chức thao giảng, hội giảng, họp giao ban, tập huấn trực tuyến. Tất cả 9 phòng GD&ÐT quận, huyện và 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đã triển khai thông suốt thư điện tử, hệ thống quản lý hành chính, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS tại https://www.smas.edu.vn. Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ÐT quận Bình Thủy, cho biết việc ứng dụng CNTT, CÐS ở các cơ sở giáo dục đã mang lại tích cực trong quản lý, dạy và học. Ðiển hình là việc thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng CÐS trong quản lý giáo viên, học sinh (sổ liên lạc điện tử); thực hiện mô hình lớp học thông minh; ứng dụng CÐS trong thực hiện tuyển sinh đầu cấp… Năm học 2022-2023, tất cả 30 điểm trường trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Quận Bình Thủy là địa phương được Sở GD&ÐT thành phố chọn thí điểm triển khai tại 2 trường THCS (An Thới và Bình Thủy) thực hiện mô hình lớp học thông minh…

Mô hình trường học thông minh

Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Lai, cho biết mạng lưới trường lớp của huyện phần lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều năm, nhiều nơi đã xuống cấp. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, huyện đã ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư trung và dài hạn dành cho việc xây dựng, nâng cấp sửa chữa và mua sắm trang thiết bị đảm bảo phục vụ cho dạy học. Thời điểm năm 2009, toàn huyện có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay có 37/43 trường đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị phục vụ dạy và học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ông Nguyễn Văn Chi cho biết, thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành giáo dục huyện đã tích cực nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình đổi mới nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ðể đáp ứng yêu cầu CÐS lĩnh vực GD&ÐT, ngành Giáo dục huyện Thới Lai đã chủ động tham mưu thí điểm xây dựng mô hình phòng học thông minh tại Trường THCS thị trấn Thới Lai. Hiện, trường đã hoàn thiện 3 phòng học bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội hóa, qua đó tạo môi trường học tập tiên tiến, hiện đại, tạo động lực cho học sinh tích cực tham gia học tập. Ðây còn là điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thầy Trần Quang Nhựt, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Thới Lai, cho biết: “So với phòng học truyền thống, phòng học thông minh mang lại hiệu quả tích cực không chỉ đối với học sinh, phụ huynh mà còn với giáo viên, nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”. Phòng học thông minh đã góp phần tăng sự hứng thú của học sinh với các tiết học. Học sinh học tập nhóm hiệu quả, được rèn luyện và hình thành kỹ năng như: thuyết trình, giải quyết vấn đề, năng lực sử dụng CNTT. Thời gian, công sức của thầy trò được tiết kiệm. Các bài giảng của giáo viên đã khai thác có hiệu quả hình ảnh, video phục vụ trực tiếp cho bài học, nhất là các thí nghiệm ảo. Giáo viên thuận lợi trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, sử dụng được nhiều phương pháp dạy học tích cực do các thiết bị thông minh mang lại.

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, ngành Giáo dục huyện Thới Lai đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt đem lại hiệu quả giáo dục, điển hình là mô hình phòng học thông minh. Ðây cũng là mô hình hay cần phải được nhân rộng, tạo sự lan tỏa trên địa bàn huyện nói riêng và TP Cần Thơ nói chung. Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo phòng GD&ÐT các quận, huyện, các trường THPT nghiên cứu xây dựng các tiêu chí và nhân rộng mô hình phòng học thông minh tại đơn vị.

Chia sẻ bài viết