03/07/2022 - 07:24

Thúc đẩy chuyển đổi số hình thành đô thị động lực thông minh cho Cần Thơ 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Vừa qua, UBND TP Cần Thơ phối hợp Tập đoàn Công nghệ CMC tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hình thành đô thị động lực thông minh kết nối khu vực và thế giới”. Các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số (CÐS) hình thành đô thị động lực thông minh cho TP Cần Thơ; nhất là thành phố cần thực hiện chiến lược CÐS với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó người dân là trung tâm của CÐS.

Một góc đô thị Cần Thơ.

Sẵn sàng cho CÐS

CÐS là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định, chương trình hành động thực hiện CÐS quốc gia; với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Ðồng thời, các bộ, ngành Trung ương cũng đã có các hướng dẫn thực hiện CÐS, phát triển đô thị thông minh.

Hiện nay, TP Cần Thơ đang trong quá trình cùng với các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện mục tiêu CÐS Quốc gia theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Cần Thơ xác định CÐS gắn liền với thực hiện cải cách hành chính, phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong bối cảnh đó, TP Cần Thơ cũng đã cơ bản xây dựng khá đầy đủ khung pháp lý về CÐS như Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4-8-2021 của Thành ủy về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025; Kế hoạch của UBND thành phố về CÐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch CÐS năm 2022, trong đó xác định CÐS đảm bảo trên 3 trụ cột chính (chính quyền số; kinh tế số và xã hội số). Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo về CÐS, các tổ công tác, tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp thành phố đến tận xã, phường, thị trấn với các thành viên là lãnh đạo các cấp để quyết liệt triển khai thực hiện công tác CÐS.

Với quan điểm CÐS gắn với đô thị thông minh, TP Cần Thơ đã hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy “Về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”. Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Thành ủy, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, đề án xây dựng TP Cần Thơ thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP), xây dựng kho dữ liệu dùng chung sẵn sàng cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu...

Thành phố đang triển khai xây dựng nền tảng quy hoạch không gian SPP phục vụ công tác quản lý quy hoạch đô thị và phát triển thành phố thông minh; hình thành liên kết, chủ động của các doanh nghiệp, người dân với Nhà nước cùng tham gia đầu tư hạ tầng, trang thiết bị công nghệ; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo tiền đề vững chắc cho thành phố thông minh. Tỷ lệ người dân tham gia các dịch vụ công ích qua các nền tảng số ngày một tăng… Kết quả xây dựng TP Cần Thơ thông minh cũng đã mang lại hiệu quả tích cực trên 9 nội dung: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, quy hoạch thông minh, quản lý giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh, chính quyền thông minh - công dân thông minh, chính quyền thông minh - dịch vụ thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội thông minh.

Ðề xuất giải pháp CÐS hiệu quả

Ông Hồ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC, cho rằng: Mục tiêu CÐS là lấy người dân làm trung tâm, tạo ra cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho người dân. CMC hiện nay là tập đoàn tốp đầu tại Việt Nam về lĩnh vực công nghệ thông tin và lĩnh vực về CÐS. CMC sẵn sàng là đối tác chiến lược của TP Cần Thơ, xây dựng chiến lược CÐS toàn diện cho thành phố trong 5 năm tới.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Công nghệ CMC đề xuất khung CÐS cho TP Cần Thơ trở thành “trái tim” của vùng ÐBSCL, với 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, chính quyền số là phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ (loại bỏ giấy tờ văn bản truyền thống, thúc đẩy chữ ký số, cộng tác và làm việc trên 1 nền tảng, sử dụng dữ liệu trong quản trị); phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp (hệ thống 1 cửa, dịch vụ công trực tuyến tích hợp thanh toán điện tử, hệ thống liên thông chia sẻ dữ liệu, xây dựng kênh tương tác: website, app, ứng dụng mạng xã hội; hỗ trợ người dân). Kinh tế số là phát triển kho dữ liệu đáng tin cậy và nền tảng dữ liệu mở; đẩy mạnh các lĩnh vực như nền tảng tài chính điện tử, triển khai ứng dụng cho ngành thuế, hải quan, kho bạc; phát triển thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hệ thống quản lý thông tin cơ sở kinh doanh thương mại, tích hợp cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh; phát triển các nền tảng kết nối logistics… Xã hội số là phát triển hạ tầng số và nền tảng số (ưu tiên phát triển hạ tầng băng thông rộng, phát triển wifi city miễn phí, phổ cập điện thoại thông minh, triển khai định danh điện tử, chữ ký số; thông tin và dữ liệu số (cung cấp các dịch vụ công tương tác trên nhiều nền tảng, cải thiện trải nghiệm của người dân khi sử dụng các dịch vụ số); các lĩnh vực an sinh xã hội như y tế số (hồ sơ sức khỏe điện tử, mỗi người dân có 1 bác sĩ riêng), giáo dục số, an sinh xã hội (quản lý các đối tượng an sinh xã hội)…

Các chuyên gia cũng trình bày, giới thiệu về bộ giải pháp phục vụ chiến lược CÐS liên quan đến đô thị thông minh (hệ thống quản lý đô thị trên nền tảng GIS, hệ thống trung tâm chỉ đạo điều hành chuyên ngành (IOC) trong các lĩnh vực giao thông, y tế, an ninh, môi trường), chính quyền điện tử, lĩnh vực kế hoạch đầu tư - xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, công thương, thông tin và truyền thông, quy hoạch và xây dựng, giao thông vận tải, văn hóa du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, an ninh - quốc phòng và các giải pháp điện toán đám mây, bảo mật, hỗ trợ TP Cần Thơ đạt hiệu quả CÐS một cách nhanh nhất.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, các nội dung được trao đổi tại hội thảo đã cung cấp thêm thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu, triển khai CÐS, phát triển đô thị ở các lĩnh vực, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tập đoàn Công nghệ CMC có khung kế hoạch để CÐS cho TP Cần Thơ. Lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, các địa phương trên tinh thần sẵn sàng CÐS của ngành mình, địa phương mình phụ trách, chọn lĩnh vực ưu tiên và mũi nhọn để thực hiện.

 

Chia sẻ bài viết