03/02/2018 - 08:43

Thú vị với “Phía Tây Trường Sơn” 

Nhà văn Vũ Hùng vừa được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh, trao giải thưởng “Sự nghiệp Văn học” cho bộ sách thiếu nhi gồm 18 cuốn viết về thiên nhiên và muông thú của ông. Trước đó, năm 2016, khi bộ sách mới xuất bản được 12 cuốn, cũng đã được Hội Xuất bản Việt Nam trao giải Vàng Sách Hay.

Báo Cần Thơ xin giới thiệu với bạn đọc truyện dài “Phía Tây Trường Sơn” - một trong 6 tác phẩm đặc sắc của bộ sách được NXB Kim Đồng phát hành năm 2017, góp phần hoàn thiện bộ sách 18 cuốn. 

Nhà văn Vũ Hùng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông là tác giả của hơn 40 đầu sách cho thiếu nhi và nhiều tác phẩm dịch. Với vốn sống phong phú và kiến thức sâu rộng, ông dành những trang viết đẹp nhất, hay nhất cho thiên nhiên, muông thú và tuổi thơ.

Từng sống và chiến đấu giữa núi rừng Trường Sơn và nước bạn Lào, nhà văn Vũ Hùng dành tình cảm đặc biệt cho loài voi. “Người bạn to lớn” này chiếm vị trí quan trọng trong một loạt các tác phẩm của ông như: “Bầy voi đen”, “Sống giữa bầy voi”, “Phía Tây Trường Sơn”, “Con voi xa đàn”, “Người quản tượng và con voi chiến sĩ”… Trong đó, “Phía Tây Trường Sơn” là câu chuyện kể về hành trình học làm quản tượng (nuôi dạy voi) của bộ đội tình nguyện Việt Nam trên nước Lào.

Năm 1947, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân ta cần những chú voi to khỏe để vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên dãy Trường Sơn. Bộ đội Lào tặng cho bộ đội Việt Nam 3 con voi và 3 chiến sĩ trẻ là Hưng, Sơn, Đức được cử sang Lào học làm quản tượng rồi dong voi về. Họ đã vượt Trường Sơn, đi vào nước Lào, làm quen với thiên nhiên, phong tục tập quán, nét văn hóa và con người xứ sở triệu voi. Tại làng Vông Xay, ngôi làng lớn và nổi tiếng về huấn luyện voi, các chiến sĩ đã trải qua hơn một năm học tập, rèn luyện và trở thành những quản tượng thuần thục. Hành trình ấy tuy nhiều gian nan, vất vả nhưng đầy ắp tình người và những kỷ niệm khó quên.

Những trang sách hồn hậu, sống động cứ cuốn lấy người đọc theo từng bước chân của các chiến sĩ; từ vượt rừng, thoát khỏi ổ phục kích của địch đến việc làm quen với nếp sống của đồng bào Lào, tiếp cận với loài voi… Qua đó, người đọc hiểu hơn về những nét văn hóa đặc trưng của nước Lào như tục phóng sinh, ăn Tết, té nước, lễ chào đón một em bé ra đời, ngày hội quản tượng… Đồng thời, khám phá những điều thú vị về loài voi. Hóa ra loài vật khổng lồ có phần cục mịch, chậm chạp đó lại hết sức thông minh, dũng cảm, trung thành và  rất tình nghĩa với con người. Giai thoại về Ông Một, con voi dũng mãnh từng tham gia chiến trận dưới trướng của đề đốc Lê Trực; cách huấn luyện voi; cách ghi chép tiểu sử loài voi…  là những điểm nhấn ấn tượng. Ngoài ra, tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Lào đối với các chiến sĩ Việt Nam xuyên suốt câu chuyện, góp phần tô thắm tình hữu nghị bền chặt của hai dân tộc. 

Mở ra một thế giới thật đặc biệt ở phía bên kia của dãy Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, “Phía Tây Trường Sơn” không chỉ là câu chuyện dành cho thiếu nhi mà còn là tác phẩm ý nghĩa dành cho bạn đọc mọi lứa tuổi.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết