13/10/2023 - 14:36

Thú vị trải nghiệm làng nghề 

Kết hợp trải nghiệm làng nghề trong du lịch là hoạt động được du khách yêu thích khi đến tìm hiểu văn hóa bản địa. Xu hướng này đang được các điểm đến tại Cần Thơ khai thác hiệu quả.

Anh Trần Thiện Khải làm kẹo dừa thủ công tại Làng du lịch Mỹ Khánh.

Anh Trần Thiện Khải làm kẹo dừa thủ công tại Làng du lịch Mỹ Khánh.

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, khu trải nghiệm làng nghề tại Làng du lịch Mỹ Khánh ngày càng thu hút du khách. Tại đây, du khách cùng nghệ nhân làm hủ tiếu, kẹo dừa… và thưởng thức sản phẩm. Du khách Trần Thị Vân Anh (Hà Nội), cho biết: “Các mô hình làng nghề ở đây khá hay, vì tôi thấy được quá trình làm ra sản phẩm. Những trải nghiệm như thế này giúp du khách có trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về miền Tây”. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, chia sẻ: “Chúng tôi có khu làng nghề truyền thống gắn liền với khu nhà văn hóa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm. Từ đó, du khách có thêm nhiều trải nghiệm văn hóa bản địa, đặc biệt là làng nghề truyền thống. Chúng tôi cũng đã tìm kiếm và kết nối các nghệ nhân, mời họ về trình diễn không chỉ ở mỗi kỳ lễ hội mà còn thường xuyên. Như làng nghề hủ tiếu, kẹo dừa có nghệ nhân ở đó mỗi ngày. Qua đó, chúng tôi góp phần gìn giữ làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm, nông sản địa phương”.

Tại khu vực trình diễn làm kẹo dừa, anh Trần Thiện Khải liên tục bận rộn với những mẻ kẹo nóng hổi trên lò. Anh nói: “Tôi làm kẹo dừa 21 năm rồi, về làm tại Làng du lịch Mỹ Khánh thì 3-4 năm nay. Tại đây mình làm kẹo dừa mỗi ngày, khách đến trải nghiệm và rất thích. Tất cả sản phẩm ở đây đều làm theo phương pháp truyền thống và thủ công”. Anh Trần Thiện Khải sử dụng đường phèn, dừa non và cắt miếng thủ công, không qua khuôn ép, thân thuộc như những món kẹo bánh làm nhà. Kế bên khu vực làm kẹo là không gian phơi các loại mứt của chị Ðoàn Thị Ngọc Hằng, trong đó có mứt chôm chôm. Chị cho biết: “Tôi chuyên làm mứt dừa, nhưng đợt dịch bệnh thấy chôm chôm nhiều, rớt giá nên nghĩ cách làm sản phẩm mới là mứt chôm chôm và si-rô chôm chôm. Sản phẩm luôn làm mới mỗi ngày khi có nguyên liệu, nên khách rất thích”.

Thực tế, việc đưa làng nghề vào du lịch không chỉ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mà còn góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa, tạo công ăn việc làm cho người địa phương, nâng cao giá trị nông sản, các sản phẩm thủ công. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ khu Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Hiện tại, du khách quốc tế có xu hướng tìm hiểu về làng nghề truyền thống để hiểu thêm về văn hóa bản địa. Tôi đưa làng nghề vào du lịch để góp phần làm tăng giá trị sản phẩm, tạo công ăn việc làm, gìn giữ làng nghề, lan tỏa những nét đẹp văn hóa đến du khách”. Tại Mekong Silt Ecolodge, du khách sẽ thấy những mô hình làng nghề quen thuộc: dệt chiếu, đan lục bình, làm bánh dân gian, nấu rượu, làm cốm nổ… Chị Trương Thanh Quyên, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Tôi học chuyên ngành Việt Nam học và có đam mê tìm hiểu về văn hóa và làng nghề. Khi làm việc tại Mekong Silt Ecolodge, tôi được tạo điều kiện để phát huy những gì đã học trong tổ chức các buổi workshop cùng du khách”.

Việc đưa làng nghề vào hoạt động du lịch không chỉ góp phần tạo thêm dịch vụ, đa dạng trải nghiệm cho du khách; mà còn góp phần lan tỏa, gìn giữ những giá trị truyền thống.

Bài, ảnh: KIỀU MAI

Chia sẻ bài viết