24/08/2018 - 07:21

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hỗ trợ đồng bào vùng lũ dựng lại nhà là công việc cấp bách 

Bắc Trung bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất

Sáng 23-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn về công tác hỗ trợ khẩn cấp nhà ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất trên cả nước trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: THỐNG NHẤT/TTXVN

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tình tình thiên tai những năm gần đây xảy ra rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra 12 đợt lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, làm 1.022 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn. Theo báo cáo của các tỉnh, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn 5.592 hộ dân không có nhà ở hoặc đang ở nhà tạm; 42.106 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời để đảm bảo an toàn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương về nhà ở và kết nối hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí 839 tỉ đồng, trong đó 391 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho người dân xây dựng nhà ở, 447 tỉ đồng hỗ trợ bước đầu kết nối hạ tầng thiết yếu.

Theo đề xuất này, mức hỗ trợ trực tiếp để người dân khôi phục lại nhà ở là 70 triệu đồng/hộ; mức hỗ trợ để kết nối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu bước đầu về giao thông, điện nước... là 80 triệu đồng/hộ.

Tại hội nghị, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thống nhất phương án hỗ trợ cần căn cứ theo mức độ thiệt hại của mỗi hộ dân theo mức độ tối thiểu từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng/m2 nhà ở.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc hỗ trợ đồng bào vùng lũ dựng lại nhà là công việc cấp bách. Thủ tướng yêu cầu phải có nhà ở bằng các nguồn lực khác nhau trên tinh thần chính xác, kịp thời, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, các tỉnh bị ảnh hưởng cần nghiên cứu, xác định mức độ hỗ trợ tùy theo thiệt hại của mỗi gia đình để đảm bảo công bằng. Công tác hỗ trợ phải quan tâm đến việc đi học lại của con em đồng bào, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Đề án di dời dân cư ra khỏi vùng thiên tai.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ 45 phút ngày 23-8, một số nơi thuộc tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Dự báo trong 3 - 6 giờ tới, khu vực này tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đặc biệt là các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Quan Hóa (Thanh Hóa); Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn (Nghệ An).

Mực nước sông Cửu Long đang lên do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường. Mực nước cao nhất ngày 22-8 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,72m, trên báo động báo động 1 là 0,22m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,21m, trên báo động 1 là 0,21m.

Từ ngày 23-30/8 mực nước sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 31-8, mực nước cao nhất ngày trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,2m, trên báo động 2 là 0,2m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,7m, trên báo động 2 là 0,2m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 1- báo động 2, có nơi trên báo động 2.

TTXVN

Chia sẻ bài viết