02/07/2009 - 08:26

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan

* Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước 
* Xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia thành vùng kinh tế tầm quốc gia và quốc tế

Chiều 1-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Thái Lan, Đại tướng Prawit Wongsuwon đang thăm và làm việc tại Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại tướng Prawit Wongsuwon, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan.
Ảnh: ĐỨC TÁM - TTXVN. 

Thủ tướng nhiệt liệt chào mừng Đại tướng Prawit Wongsuwon và các tướng lĩnh quân đội Vương quốc Thái Lan sang thăm Việt Nam, coi đây biểu hiện sự tin cậy hợp tác hữu nghị giữa hai nước nói chung và quân đội hai nước nói riêng. Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước: Kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng... ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực, vì sự phát triển của hai nước, đóng góp vào phát triển hòa bình và ổn định ở khu vực.

Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Đại tướng Prawit Wongsuwon chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực, đồng thời thông báo về kết quả hội đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Theo đó, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác giữa hai Bộ về trao đổi đoàn, tuần tra chung trên biển, đào tạo cán bộ....

* Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao nước ta do Đại tướng Phùng Quang Thanh làm trưởng đoàn đã hội đàm với Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Vương quốc Thái Lan do Đại tướng Prawit Wongsuwon làm trưởng đoàn.

Thay mặt cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhiệt liệt hoan nghênh Đại tướng Prawit Wongsuwon và Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Vương quốc Thái Lan sang thăm Việt Nam, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, trên cơ sở đó tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa quân đội và nhân dân hai nước.

* Chiều 1-7, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước do Phó Chủ tịch Ken-ta Bun-koong-mi làm trưởng đoàn đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ken-ta Bun-koong-mi cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian tiếp và báo cáo về kết quả tốt đẹp của buổi làm việc giữa đoàn với Ban Tôn giáo Chính phủ. Qua trao đổi và làm việc, đoàn đã học hỏi được một số kinh nghiệm quý, đặc biệt là kinh nghiệm về công tác giáo dục, tuyên truyền vận động đồng bào tôn giáo tham gia đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng đất nước. Hai bên cũng rà soát lại những việc làm được và chưa làm được để sự hợp tác ngày càng hiệu quả. Phó Chủ tịch Ken-ta Bun-koong-mi cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ Lào trong công tác tôn giáo và mong muốn hai cơ quan tăng cường hợp tác hơn nữa, góp phần vào việc vun đắp tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

* Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 925/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Quy hoạch, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia bao gồm 10 tỉnh, trong đó 4 tỉnh thuộc vùng biên giới Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) và 6 tỉnh thuộc vùng biên giới Tây Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang), với diện tích tự nhiên là 73.369,5 km2, dân số khoảng 12,65 triệu người. Dự báo đến năm 2020, dân số toàn vùng khoảng 16,51 triệu người, trong đó có khoảng 10 - 11 triệu lao động. Đây là vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi quan trọng; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng phía Tây và Tây Nam của Tổ quốc. Vùng biên giới này là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng biển Đông.

Đến năm 2030, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia được định hướng phát triển là vùng kinh tế quan trọng tầm quốc gia và quốc tế, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với vùng Tây Nguyên, Trung và Nam Bộ và các nước trong khu vực vịnh Thái Lan, là một trung tâm kinh tế biển lớn. Đây cũng sẽ là vùng bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học lớn nhất nước, vùng lưu trữ các giá trị văn hóa dân tộc bản địa và là trung tâm du lịch lớn của cả khu vực ASEAN. Quy hoạch nêu rõ, toàn tuyến biên giới được phân thành 2 khu vực lớn là khu vực biên giới Tây Nam và khu vực biên giới Tây Nguyên; trong mỗi khu vực sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế với các đô thị trung tâm là TP. Buôn Ma Thuột, TP. Pleiku, TP. Long Xuyên và đô thị Trảng Bàng. Quy hoạch cũng xác định rõ định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư...

THIỆN THUẬT - ĐỖ QUYÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết