10/09/2013 - 22:20

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công cầu Vàm Cống

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và các tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện nghi thức khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống. 

(CT)- Sáng 10-9, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Lễ khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống, thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát lệnh khởi công dự án xây dựng cầu Vàm Cống.

Dự án xây dựng cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống hiện hữu 2,5 km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km về phía thượng lưu. Dự án có tổng chiều dài 2,97 km, gồm: phần cầu chính (nhịp dây văng), phần cầu dẫn phía Đồng Tháp và cầu dẫn phía Cần Thơ. Tổng mức đầu tư của dự án 271,58 triệu USD (tương đương 5.687 tỉ đồng) sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến thời gian thi công hoàn thành dự án là 48 tháng... Cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong có chiều dài 78 km (đi qua địa phận các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và TP Cần Thơ) sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, đảm bảo giao thông thông suốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực này.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là cây cầu thứ 2 sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, là niềm ước mơ ngàn đời của đồng bào ĐBSCL, đặc biệt là đồng bào sinh sống ở các địa phương 2 bờ sông Hậu là Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang. Cây cầu này có ý nghĩa rất quan trọng thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bức xúc của nhân dân trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh của cả khu vực. Nhận rõ tính bức thiết này, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ giao thông Vận tải và các địa phương trong vùng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng cầu Vàm Cống. Cùng với cầu Cần Thơ, cầu Vàm Cống là cầu lớn nhất, hiện đại nhất của Việt Nam đến hôm nay, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho vay ưu đãi, đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu chủ yếu là của Hàn Quốc. Dự án cầu lớn và hiện đại, kỹ thuật cao nên đòi hỏi phải đúng tiến độ, phải an toàn tuyệt đối. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải được vinh dự giao là chủ đầu tư cầu này nhưng trách nhiệm rất là cao. Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phải phối hợp với các bộ, các địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kiểm soát chặt chẽ; cùng với các nhà thầu thực hiện đúng hợp đồng, quy định pháp luật để kiểm soát đúng tiến độ, phải 48 tháng sau đưa cầu này vào sử dụng đúng theo thiết kế, an toàn tuyệt đối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết: Dự kiến trong tháng 10-2013 chúng ta sẽ khởi công cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, quy mô và tổng vốn đầu tư tương đương cầu Vàm Cống do Chính phủ Úc tài trợ chính, tài trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á và một phần vốn đối ứng Việt Nam. Đây là 2 cây cầu lớn nhất trên trục thứ 2 Bắc-Nam (tức là đường Hồ Chí Minh nối từ Pắc Bó, Cao Bằng đến Mũi Cà Mau), tiếp theo sau cầu Cao Lãnh sẽ đầu tư xây dựng đoạn đường cao tốc nối từ cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống và phát triển tiếp dự án để nối liền đến Cà Mau… ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, là vựa lúa lớn nhất đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo chủ yếu của cả nước, cũng là vựa tôm cá của cả nước, dân số 21 triệu người và vùng ĐBSCL đã đóng góp 20% GDP của cả nước. Nhưng ĐBSCL hiện nay còn rất nhiều khó khăn, để phát triển nhanh bền vững trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước cơ bản trở thành công nghiệp hóa-hiện đại hóa vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, phải làm nhiều việc, một trong những khâu đột phá quan trọng nhất để ĐBSCL phát triển là phải quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho vùng ĐBSCL…

Tin, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết