31/01/2010 - 09:19

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2010

* Một ASEAN phát triển năng động và liên kết chặt chẽ là tác nhân gắn kết trong quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á

Theo đặc phái viên TTXVN, tối 30-1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Davos (Thụy Sĩ), kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2010 (WEF 2010), kết hợp thăm làm việc với Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới kỷ niệm 40 năm thành lập. Vì vậy Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2010 là một trong những hoạt động đối thoại giữa chính giới, học giả và doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới và thu hút sự tham gia đông đảo của các giới. Số lượng đại biểu tham dự Hội nghị lần này đông nhất từ trước đến nay (lên tới 2.500 đại biểu, trong đó có hơn 30 vị đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, tổ chức quốc tế (như Tổng thống Pháp, Tổng thống Mexico, Thủ tướng Canada, Tổng thống Hàn Quốc, Phó Thủ tướng thường trực Trung Quốc, Tổng thư ký LHQ...). Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, Tái thiết và Tái xây dựng nhằm củng cố các nền kinh tế, giảm bớt các nguy cơ toàn cầu, đảm bảo phát triển bền vững, tăng cường an ninh, tạo ra một khuôn khổ các giá trị, xây dựng các thể chế hiệu quả.

Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị WEF Davos năm nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại bốn phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị về các chủ đề: Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn, Tái định hình nền quản trị toàn cầu, An ninh lương thực và Cộng đồng Đông Á. Tại các phiên thảo luận này, Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như là một điểm sáng trong đối phó và khắc phục tác động của khủng hoảng của các nước đang phát triển. Về các vấn đề quản trị toàn cầu, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng đã cùng với Thủ tướng Canada, Thủ tướng Tây Ban Nha, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Nam Phi, Tổng thống Mexico là nước chủ nhà các định chế lớn như G20, G8, EU thảo luận về sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong quản trị toàn cầu và dành cho các nước đang phát triển vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Từ kinh nghiệm của một nền kinh tế, trong đó nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, Thủ tướng đã chia sẻ với Hội nghị những đề xuất, ý tưởng nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh vai trò của định chế toàn cầu trong việc đảm bảo sự hoạt động lành mạnh của cung và cầu lương thực trên thế giới và việc sớm loại bỏ, cắt giảm tối đa mọi hàng rào thuế quan, phi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, nhằm tạo điều kiện khuyến khích các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực - thực phẩm mở rộng sản xuất, cung cấp ngày một nhiều hơn các sản phẩm có chất lượng, đồng thời giúp hạ thấp giá thành, cho phép các nước nghèo, thiếu đói, có thể mua nhiều hơn lương thực đáp ứng nhu cầu trong nước. Tại phiên thảo luận về Cộng đồng Đông Á, các đại biểu cho rằng khu vực Đông Á cần tiếp tục tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thúc đẩy hợp tác về kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư thông qua các khuôn khổ song phương và đa phương trong khu vực cũng như với các nước đối tác. Là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Thủ tướng nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các nước đối tác triển khai các tầm nhìn nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN có sự liên kết chặt chẽ với các nước đối tác, trong đó cùng hợp tác để giải quyết các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại như vấn đề Biển Đông trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật biển năm 1982 và Quy tắc ứng xử biển Đông (DOC).

Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai hoạt động riêng dành cho Việt Nam bao gồm cuộc đối thoại với hơn 40 CEO hàng đầu thế giới và buổi họp báo về Việt Nam. Tại các hoạt động này, Thủ tướng đã giới thiệu về kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh các nhân tố tạo nên sự hấp dẫn của kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam; đồng thời chia sẻ với các đại biểu về mục tiêu, tầm nhìn của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và nước chủ nhà của Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2010, thể hiện vị thế ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Các đại biểu bày tỏ ấn tượng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua và đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế cũng như thúc đẩy cải cách nhằm tạo khả năng thích ứng khá tốt của nền kinh tế và tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

* Cũng trong ngày 30-1 tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo Thái Lan, Indonesia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã tham dự Phiên họp đặc biệt về Cộng đồng Đông Á.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo đều cho rằng ngày nay, một Cộng đồng Đông Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tiến bộ đang dần được hình thành trên thực tế. Kể từ năm 1997 đến nay, hợp tác và liên kết khu vực hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng Đông Á ngày càng gia tăng thông qua nhiều cơ chế do ASEAN chủ xướng và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác và liên kết kinh tế là lĩnh vực đi đầu, là chất xúc tác và tiền đề vật chất quan trọng của quá trình xây dựng Cộng đồng.

Phát biểu thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ năm 2010 là năm “bản lề” để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn tới Hành động”, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên khác tiến hành các hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Hiến chương, đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các chương trình và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa ASEAN với đối tác. Việt Nam cũng có trách nhiệm điều phối và thúc đẩy hợp tác ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á. Một ASEAN phát triển năng động và liên kết chặt chẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu, như một tác nhân gắn kết trong quá trình xây dựng Cộng đồng Đông Á. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các nước đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ tích cực đẩy nhanh xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, đặc biệt là trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối nội khối.

Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở khu vực, duy trì châu Á là khu vực tăng trưởng năng động, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tăng cường hợp tác tài chính - tiền tệ, sớm triển khai Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai và nâng cao năng lực hệ thống ngân hàng trong khu vực. Đặc biệt, các quốc gia Đông Á cần đóng góp tích cực và thiết thực hơn nữa vào quá trình cải cách các thể chế tài chính - tiền tệ và quản trị toàn cầu, trong đó có hoàn thiện cơ chế G-20. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tăng tỷ trọng giao thương và đầu tư trong khu vực, thực hiện đúng lộ trình các Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN+1 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand... Thủ tướng nhấn mạnh đây là thời điểm cần sự quyết tâm của các nền kinh tế Đông Á tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại, chống chủ nghĩa bảo hộ và đóng vai trò tích cực thúc đẩy Vòng đàm phán Doha sớm hoàn tất.

Những lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy Cộng đồng Đông Á cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật là tăng cường kết nối về hạ tầng, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, cũng như giao lưu giữa người dân ở khu vực. Hợp tác đối phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực, suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh... đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và trao đổi học thuật, giao lưu nhân dân, nhằm tạo dựng và nuôi dưỡng sự tin cậy và hiểu biết, nâng cao nhận thức cộng đồng và bản sắc khu vực. Riêng lĩnh vực biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng ASEAN nói riêng và các nước Đông Á nói chung cần đi đầu trong các nỗ lực khu vực và toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu. Thủ tướng kiến nghị thành lập một Diễn đàn Đông Á về Biến đổi khí hậu để đưa ra các biện pháp phối hợp hành động chung tại khu vực và đóng góp vào việc hình thành một khuôn khổ hợp tác toàn cầu xử lý thách thức to lớn này của nhân loại.

* Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 30-1, bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF 2010) tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Công tước xứ York - Hoàng tử Anh Andrew.

Chia sẻ bài viết