08/04/2010 - 08:26

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ra mắt Ủy ban ASEAN về việc bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em

* Hội nghị Bộ trưởng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC)
* Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6
* Thỏa thuận thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư trong khu vực ASEAN + 3

Ngày 7-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Hội nghị cấp cao ASEAN 16, Ủy ban ASEAN về việc bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em (ACWC) đã chính thức ra mắt. Tới dự có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010; Bộ trưởng về văn hóa, phúc lợi xã hội các nước ASEAN; đại diện cơ quan liên Chính phủ; Ủy ban nhân quyền ASEAN; đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội và đại diện các bộ, ban, ngành của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đây là sự kiện lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN, đánh dấu một bước tiến mới trong việc đảm bảo sự phát triển công bằng cho phụ nữ và trẻ em, nhằm tiến tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Thủ tướng biểu dương những cố gắng đóng góp của nhóm quan chức phúc lợi xã hội, các cơ quan liên quan ASEAN.

Thủ tướng nêu rõ, việc thành lập Ủy ban thể hiện ý nguyện của các nhà lãnh đạo ASEAN nêu trong Chương trình hành động Viêng Chăn năm 2004 trong lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN 2009-2015 với 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế, Văn hóa xã hội và chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển. Điều này cũng góp phần thực hiện chủ đề năm ASEAN 2010 là “Hướng tới cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động”. Sự ra đời của Ủy ban là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tăng cường phúc lợi xã hội và sự tham gia của phụ nữ và trẻ em trong quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng nhấn mạnh, Ủy ban có nhiệm vụ cao cả là thực hiện ước nguyện của phụ nữ và trẻ em ASEAN, góp phần thiết thực đưa các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em ASEAN nêu tại hiến chương ASEAN trong lộ trình xây dựng cộng đồng và trong các văn kiện khác của ASEAN thành hiện thực. Thủ tướng hy vọng Ủy ban sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan liên Chính phủ về nhân quyền ASEAN trong việc thúc đẩy việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của phụ nữ và trẻ em, lực lượng chiếm hơn nửa dân số ASEAN và là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển.

Ủy ban ASEAN về bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em gồm 20 thành viên đại diện cho 10 nước ASEAN.

Ngay sau Lễ ra mắt, Ủy ban tiến hành cuộc họp lần thứ nhất hướng tới việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của Ủy ban.

* Ngày 7-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 3 đã họp phiên toàn thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN chủ trì phiên họp.

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã kiểm điểm việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong những năm qua và bàn biện pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình xây dựng cộng đồng như huy động nguồn lực, lồng ghép các hoạt động, chương trình hợp tác vào chương trình hành động quốc gia. Các Bộ trưởng cũng nhất trí xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2010 gồm: Phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi kinh tế bền vững; Đối phó với thách thức toàn cầu về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, quản lý thảm họa; Tăng cường phúc lợi xã hội và phát triển đối với phụ nữ và trẻ em ASEAN; Tăng cường hợp tác văn hóa tiến đến nâng cao nhận thức về ASEAN và Xây dựng cộng đồng.

Về dự kiến những Văn kiện trình Hội nghị cấp cao: Các Bộ trưởng đã nhất trí dự kiến trình Hội nghị cấp cao lần thứ 17 (ASEAN 17) 3 Văn kiện thông qua năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đã thông qua Báo cáo của các Quan chức cấp cao ASEAN về cộng đồng văn hóa - xã hội họp ngày 6-4-2010; ghi nhận báo cáo của Hội nghị chuyên ngành ASEAN như Hội nghị Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN được tổ chức tại Philippines ngày 24-26/8 năm 2010; thông qua Kế hoạch Truyền thông của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

* Ngày 7-4, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6, dưới sự chủ trì của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu. Tham dự Hội nghị có Thống đốc và đại diện Ngân hàng Trung ương các nước thành viên ASEAN. Ông Shinohara, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tham dự Hội nghị với tư cách là diễn giả và cùng trao đổi quan điểm với Hội nghị về triển vọng kinh tế khu vực ASEAN cũng như toàn cầu, các thách thức đối với Ngân hàng Trung ương của các quốc gia trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế thế giới.

Những vấn đề nổi bật trên bàn nghị sự tại Hội nghị lần này là Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN, Hợp tác giữa các Ngân hàng Trung ương các thành viên ASEAN với nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ để thanh toán thương mại trong khu vực ASEAN, Hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN + 3. Đối với Lộ trình Hội nhập tài chính, tiền tệ trong khối ASEAN và ASEAN + 3, Hội nghị đã rà soát tiến độ triển khai để đảm bảo mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, rà soát hệ thống Biểu đánh giá (AEC Scorecard) đã được xây dựng để giám sát việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong kế hoạch tổng thể.

Nội dung hợp tác tài chính ASEAN + 3 được Hội nghị đề cập đến với kết quả hợp tác tài chính giữa ASEAN cùng ba nước: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong việc đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM). Nổi bật là tất cả các nước đều cam kết đóng góp 120 tỉ USD (trong đó ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp 96 tỉ USD; các nước ASEAN đóng góp 24 tỉ USD) nhằm hỗ trợ cho các Ngân hàng Trung ương các nước thành viên CMIM giải quyết khó khăn khẩn cấp trong cán cân thanh toán, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô ở mỗi quốc gia.

* Sau hai phiên nhóm họp vào ngày 6 và 7-4, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN + 3 đã đạt được sự đồng thuận về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư (CGIF) trong khu vực, với quy mô ban đầu khoảng 700 triệu USD. Việc ký kết thỏa thuận thành lập Quỹ này sẽ tiến hành trước thời điểm diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 lần thứ 14, dự kiến vào ngày 2-5 tới đây tại Tashkent (Uzbekistan).

Nguồn Quỹ nói trên sẽ dành cho việc cung cấp các hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN + 3 nhằm huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở mỗi nước. Đây cũng là cách thể hiện cụ thể trong việc thực hiện Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI), được khởi xướng từ năm 2003 và ASEAN + 3 đeo đuổi lâu nay.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết