29/03/2010 - 09:42

Chuẩn bị tuyển sinh năm 2010 ở các trường đại học khu vực ĐBSCL:

Thu hút thí sinh bằng chất lượng đào tạo

Thời điểm này, các trường đại học (ĐH) ở ĐBSCL đang “chạy nước rút” chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2010. Các trường đều tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên, đổi mới giáo trình giáo án... để thu hút thí sinh bằng chất lượng, ngành nghề mới. Thông qua Báo Cần Thơ, lãnh đạo của các trường đã giải thích một số nét cơ bản về trường học và ngành học cho thí sinh.

* ÔNG VÕ VĂN THẮNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH AN GIANG: Từng bước xây dựng “thương hiệu” ĐH An Giang

- Năm 2010, Trường ĐH An Giang tuyển 2.720 sinh viên. Trong đó, tuyển 2.090 sinh viên đại học cho 17 ngành sư phạm, 5 ngành thuộc nhóm kinh tế, 5 ngành thuộc nhóm nông nghiệp, 4 ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật- công nghệ và 2 ngành thuộc nhóm ngành xã hội- nhân văn; 570 sinh viên cho 7 ngành cao đẳng sư phạm. Bên cạnh đó, trường còn xét tuyển 1.500 học sinh cho 7 ngành bậc trung cấp. Trường ĐH An Giang đang từng bước xây dựng thương hiệu riêng để “cạnh tranh” với các trường khác trong khu vực. Xin được nói rõ “cạnh tranh” là để đào tạo những kỹ sư, cử nhân, chuyên gia... có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội theo xu thế phát triển chung của giáo dục ĐH ở ĐBSCL và cả nước. Những năm qua, trong vùng đã có hàng loạt trường ĐH mới, nếu ĐH An Giang không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sẽ khó lòng thu hút được sinh viên vào học.

Trong 10 năm qua, mỗi năm trường có hàng ngàn sinh viên ra trường. Trường đã khảo sát các sinh viên khi tiếp nhận công việc đều được các đơn vị tuyển dụng hài lòng về chất lượng. Ngành sư phạm là ngành chủ lực với 17 chuyên ngành đào tạo, các ngành thuộc nhóm kinh tế của trường được đánh giá cao. Mặc dù là trường ĐH địa phương quản lý nhưng Trường ĐH An Giang đang dần khẳng định thương hiệu, với đội ngũ giảng viên ngày càng đông về số lượng và nâng cao chất lượng cộng với sự liên kết mạnh mẽ với các trường ĐH quốc tế, cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại đáp ứng việc đào tạo.

* ÔNG LÊ HIỂN DƯƠNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG THÁP: Tạo mọi điều kiện cho học sinh vào học

Học sinh ở các trường phổ thông khu vực ĐBSCL đang tìm hiểu thông tin về trường, ngành, nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ vào tháng 3-2010. Ảnh: L.GIANG 

- Năm 2010, Trường ĐH Đồng Tháp tuyển 3.900 sinh viên hệ chính qui. Trong đó, tuyển 2.800 sinh viên cho 31 ngành ĐH và 1.100 sinh viên cho 20 ngành cao đẳng. So với năm 2009, chỉ tiêu của trường tăng khoảng 10%. Hiện nay, trường đào tạo từ trung cấp đến đại học và liên kết đào tạo sau ĐH. Trường cũng vừa thành lập Trường mầm non Hoa Hồng trong khuôn viên trường để thu nhận con em cán bộ, giảng viên công nhân viên và người dân ở gần trường...

Trường ĐH Đồng Tháp không chạy theo số lượng sinh viên mà đáp ứng nhu cầu của nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT trong vùng, nhất là những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong điều kiện người dân ĐBSCL còn nhiều khó khăn thì việc học được ở một trường có chi phí thấp, gần nhà... là rất cần thiết. Có thể không tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp nhưng các em đã có những kiến thức cơ bản để bước vào đời. Những năm qua, Trường ĐH Đồng Tháp luôn tạo mọi điều kiện cho học sinh vào học. Nếu năm 2003, trường chỉ có 200 sinh viên thì đến nay, trường đã có hơn 10.000 sinh viên đã và đang theo học tại trường.

* ÔNG NGUYỄN CAO ĐẠT, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH CỬU LONG: Phối hợp với các nhà tuyển dụng để đào tạo kỹ năng làm việc cho sinh viên

- Phải thừa nhận rằng, chất lượng đầu vào của Trường ĐH Cửu Long có thấp hơn so với các trường ĐH công lập trong khu vực. Đây cũng là trăn trở và là nhiệm vụ của nhà trường: làm thế nào để sau 4 năm sinh viên tốt nghiệp được xã hội chấp nhận?

Ngay từ đầu thành lập, trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Một mặt, trường mời các giảng viên có trình độ, song song đó chăm lo nâng cao trình độ giảng viên cơ hữu. Trường tổ chức đào tạo tốt, tổ chức học tập, hội thảo và áp dụng phương pháp học tập tốt cho sinh viên, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp cho sinh viên đến: thực hành, thực tập môn hoặc thực tập tốt nghiệp. Trường cũng mời các chủ doanh nghiệp đủ điều kiện về giảng dạy hoặc nói chuyện chuyên đề cho sinh viên. Hàng năm, trường khuyến khích sinh viên đủ điều kiện làm luận văn tốt nghiệp hay đồ án tốt nghiệp (10% tổng số sinh viên năm cuối), trường hỗ trợ 600.000 đồng/ 1 sinh viên. Trường còn thường xuyên tổ chức nghe ý kiến doanh nghiệp nhận xét về chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua sinh viên của trường tốt nghiệp về làm việc. Theo khảo sát của trường, có đến 75,4 % sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

* ÔNG PHẠM HÙNG LỰC, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH Y DƯỢC CẦN THƠ: Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng

- Đặc thù là trường đào tạo cán bộ y tế phục vụ cho ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2010, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dự kiến tuyển 850 sinh viên cho 7 ngành: Bác sĩ đa khoa (học 6 năm), Bác sĩ Răng hàm mặt (học 6 năm), Dược sĩ (học 5 năm), Bác sĩ Y học dự phòng (học 6 năm), Điều dưỡng (học 4 năm), Y tế công cộng (học 4 năm), Kỹ thuật y học (Xét nghiệm - học 4 năm). Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và Nam Trung bộ. Trường tuyển sinh theo 3 chung của Bộ GD&ĐT. Năm nay, trường không mở thêm ngành mới của hệ đào tạo chính quy. Hiện nay, trường đang xúc tiến việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên, với sự hỗ trợ của các tỉnh ở ĐBSCL.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã áp dụng nhiều giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đầu tư trang thiết bị phục vụ và hỗ trợ công tác đào tạo... để nâng cao chất lượng đào tạo.

* ÔNG NGÔ TẤN LỰC, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH TIỀN GIANG: Đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

- Trường ĐH Tiền Giang tuyển sinh khu vực ĐBSCL. Năm 2010, trường tuyển 2.380 sinh viên, học sinh hệ chính qui; trong đó tuyển 840 sinh viên cho 6 ngành bậc đại học, 1.540 sinh viên, học sinh cho 17 ngành cao đẳng, trung cấp. Các ngành sư phạm và các ngành đào tạo trình độ trung cấp, trường chỉ tuyển sinh hộ khẩu ở tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh tuyển sinh bậc đại học, bậc cao đẳng, trung cấp trường chỉ xét tuyển. Hiện nay, chúng tôi đang xin Bộ GD&ĐT mở thêm 7 ngành bậc đại học (Kỹ thuật điện, Công nghệ thực phẩm, Du lịch, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Nuôi trồng thủy sản, Sư phạm Hóa, Giáo dục Chính trị) và 3 ngành bậc cao đẳng (Cơ khí chế tạo máy, Chăn nuôi, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật). Nếu được Bộ chấp nhận kịp thời gian tuyển sinh, trường sẽ hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu không kịp thời gian sẽ xét tuyển nguyện vọng 2 và 3.

Năm nay, trường xin chỉ tiêu tuyển sinh ít hơn so với chỉ tiêu Bộ GD&ĐT. Phương châm của trường là phải đào tạo đảm bảo nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và giáo trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, đổi mới quản lý, đào tạo kỹ năng thực hành để sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể ứng dụng tốt vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

* ÔNG ĐẶNG DIỆP MINH TÂN, TRƯỞNG PHÒNG KHẢO THÍ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, TRƯỜNG ĐH TRÀ VINH: Hướng đến đào tạo đa ngành

- Trường ĐH Trà Vinh thành lập vào năm 2006 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh, được thành lập vào năm 2001 dưới sự tài trợ từ Dự án Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam - Canada. Hiện tại, Trường ĐH Trà Vinh được phép tổ chức đào tạo đa lĩnh vực, ngành nghề theo nhu cầu của cộng đồng với đa cấp, đa hệ đào tạo, gồm: dạy nghề ngắn hạn, dài hạn, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và ĐH ở các hệ: chính quy, vừa làm vừa học và liên thông. Năm 2010, trường tuyển 2.000 sinh viên cho 14 ngành bậc ĐH; 1.300 sinh viên cho 18 ngành bậc cao đẳng; 1.500 học sinh cho 15 ngành trung cấp chuyên nghiệp (thông tin chi tiết xem trên website của trường: www.tvu.edu.vn. ). Ở bậc ĐH, trường mở thêm 3 ngành mới: ngành Luật khối C), ngành Công nghệ Kỹ thuật điện (khối A), ngành Quản trị Kinh doanh (đào tạo 2 giai đoạn với Trường Đại học Vencouver Island, Canada).

L.GIANG-B.NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết