Bài, ảnh: HÀ VĂN
Quý I-2023, hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) của quận Thốt Nốt được đánh giá phát triển ổn định, bền vững. Theo UBND quận Thốt Nốt, từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn được tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đa dạng hàng hóa bày bán tại Siêu thị Co.opmart Thốt Nốt.
Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, nhận định: “Ngay từ đầu năm, quận đã triển khai kịp thời các chương trình chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng gia sản xuất. Qua đó, tình hình sản xuất kinh doanh đối với một số ngành như xay xát, chế biến nông, thủy sản và thực phẩm duy trì đà phát triển khá tốt. Hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ được quan tâm, tạo điều kiện cho nhiều ngành nghề phát triển, đầu tư thêm các cửa hàng tiện ích, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân; tổ chức sắp xếp ổn định các chợ truyền thống nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương”.
Cuối tháng 2-2023, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, cá nhân ông Phạm Thái Bình, nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: Tiền thân công ty là nhà máy xay xát kinh doanh lúa gạo tại xã Trung An được thành lập vào năm 1996. Sau 25 năm kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo, công ty không ngừng phát triển, nay trở thành một trong những doanh nghiệp có sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất ở TP Cần Thơ. Ðến nay, công ty đã thực hiện các dự án xây dựng cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa tại TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang với diện tích trên 10.000ha. Theo kế hoạch, đến năm 2025 công ty liên kết với các địa phương thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu 100.000ha lúa chất lượng cao. Qua đó góp phần bao tiêu sản phẩm, tìm đầu ra xuất khẩu cho lúa gạo ÐBSCL, đặc biệt tham gia xuất khẩu gạo và các sản phẩm từ gạo đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cho thành phố…
Trong tháng 3-2023 tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn quận tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của quận ước đạt 3.857,83 tỉ đồng, đạt 9,48% kế hoạch; nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng quý I-2023 ước đạt 11.100,21 tỉ đồng, đạt 27,29% kế hoạch, tăng 14,35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong quý I-2023, quận Thốt Nốt phát triển mới 6 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nâng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - xây dựng của quận đến nay là 1.363 cơ sở (trong đó có 145 doanh nghiệp) giải quyết 16.730 lao động tại địa phương và khu vực lân cận.
Giá trị hoạt động thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận trong tháng 3 ước được 1.860,86 tỉ đồng, đạt 10,22% so với kế hoạch; nâng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ quý I-2023 ước được 5.556,65 tỉ đồng, đạt 30,53% so với kế hoạch, tăng 16,16% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển và tăng trưởng khá mạnh do sức mua của người dân đã ổn định trở lại. Các hoạt động văn hóa, du lịch, xúc tiến thương mại diễn ra sôi nổi trong 3 tháng đầu năm đã góp phần nâng cao giá trị thương mại, tiêu dùng. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dồi dào đảm bảo nhu cầu cho người dân mua sắm và tiêu dùng; siêu thị Co.opmart Thốt Nốt, hệ thống cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn giá phát huy tốt vai trò dự trữ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu luôn được bình ổn và kiểm tra thường xuyên.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, từ nay đến cuối năm 2023, quận phối hợp với Sở Công Thương thành phố thường xuyên cập nhật thông tin, nắm sát tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra xuất khẩu nông sản. Nắm tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất UBND quận tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy cho sản xuất công nghiệp phát triển. Ðặc biệt, quận Thốt Nốt sẽ tăng cường công tác thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp chất lượng cao; triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường theo các chính sách hỗ trợ của thành phố; phối hợp với các ngành đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống gắn kết du lịch, hỗ trợ làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, làng nghề đan lưới Thơm Rơm cải tiến trang thiết bị, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu.
Ông Trương Tiến Lực cho biết thêm: “Bên cạnh các hoạt động trên, Thốt Nốt đẩy mạnh thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển nhằm xây dựng hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ đa dạng và phong phú các ngành hàng. Ðồng thời thu hút đầu tư xây dựng các chợ truyền thống trên địa bàn các phường; kêu gọi đầu tư phát triển chợ trên địa bàn và phối hợp với các ngành hỗ trợ cho các nhà đầu tư khai thác chợ hoàn thành các thủ tục về đất đai, đấu giá đất theo quy định để tiến hành đầu tư khai thác theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý thị trường, khuyến khích sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu...”.