26/06/2015 - 08:44

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII

THÔNG QUA CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH VÀ THẢO LUẬN DỰ THẢO BỘ LUẬT DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)

(TTXVN)- Sáng 25-6, với 428 đại biểu (chiếm tỷ lệ 86,64% tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của dư luận ngay từ khi hình thành dự án và đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ Dự án là 336.763 tỉ đồng (tương đương 16,036 tỉ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỉ đồng (tương đương 5,456 tỉ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Cũng trong buổi làm việc sáng 25-6, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên môi trường, biển và hải đảo với 452 đại biểu tán thành (91,50% tổng số đại biểu Quốc hội). Cũng với 442 đại biểu (89,47 % tổng số đại biểu Quốc hội) bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 25-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là lần thứ 2, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Bộ luật, sau khi Bộ luật được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

Khoản 2, Điều 36 quy định về việc chuyển đổi giới tính theo hướng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định tại khoản 1 Điều này”, khi thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm nội dung này cần được cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật là Ủy ban Pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.

Thảo luận về đoạn thứ 2 khoản 3 Điều 26: “Tên của công dân Việt Nam và người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Họ, tên của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái”, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định này trong dự thảo.

Bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu là một trong những nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau tại phiên thảo luận.

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật an toàn, vệ sinh lao động và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Theo Chương trình, chiều 26-6, Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Chia sẻ bài viết