09/01/2016 - 15:59

Thời hưng thịnh của phim truyền hình Âu- Mỹ

2015 được xem là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phim truyền hình Âu- Mỹ với nhiều tác phẩm có kịch bản chất lượng, được đầu tư kinh phí và công nghệ chỉn chu. Giới phê bình cho rằng sức hút của phim truyền hình Âu- Mỹ không thua kém điện ảnh, thậm chí nổi trội cả về nội dung lẫn diễn xuất.

* Đa dạng thể loại, kịch bản chất lượng

Lý giải về "cơn sốt" của phim truyền hình Âu- Mỹ gần đây, các chuyên gia cho rằng không chỉ có nội dung mới lạ, đa dạng thể loại (từ trinh thám, viễn tưởng, kinh dị đến sử thi) mà cách xây dựng nhân vật cũng rất thú vị. Nhân vật đa dạng trong việc hóa thân: ác nhân có thể ẩn giấu khía cạnh anh hùng và người hiền cũng có khi là kẻ nham hiểm. Diễn biến tâm lý nhân vật thay đổi phức tạp nhưng hoàn toàn thuyết phục và bất ngờ. "Narcos" chính là tác phẩm tiêu biểu. Đây là câu chuyện có thật về ông trùm ma túy Pablo Escobar. Vào những năm 1980- 1990, tuy bị cảnh sát quốc tế truy lùng gắt gao nhưng tại quê nhà Medellín, Pablo Escobar được xưng tụng, quý mến như "Robin Hood thời hiện đại" vì ông có nhiều dự án hỗ trợ người nghèo. "Narcos" có cách kể chuyện hấp dẫn, chân dung của ông trùm ma túy được khắc họa qua góc nhìn của nhiều nhân vật: cảnh sát, nhà báo, những người thân của Pablo Escobar… Tiết tấu của bộ phim luôn gay cấn, hồi hộp và hơn hết là diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên: Wagner Moura, Boyd Holbrook, Maurice Complte… Hiện bộ phim này đang nhận được 9/10 điểm trên trang phê bình IMDb, đồng thời nhận hai đề cử Quả cầu vàng 2016: "Phim truyền hình xuất sắc nhất", "Nam diễn viên chính phim truyền hình xuất sắc nhất" dành cho Wagner Moura. Giống cách xây dựng nhân vật như "Narcos", hai phim "Arrow" và "Daredevil" cũng mang đến cho khán giả hành trình khám phá bất ngờ về các nhân vật chính: tỉ phú trẻ Oliver Queen, luật sư mù Matt Murdock.

“Narcos” - Phim truyền hình gây sốt mới nhất năm 2015.

Trong khi đó, bộ phim giả tưởng "The Walking Dead" tạo sức hút với hàng triệu khán giả dõi theo mỗi tập phát sóng. Bộ phim lấy bối cảnh thế giới thời hậu tận thế, khi nhân loại đã trở thành những thây ma ăn thịt người. Cảnh sát Rick Grimes trở thành thủ lĩnh của những người hiếm hoi còn sống sót chống lại đại dịch zombie... Cốt truyện tưởng như đơn giản, nhưng vẫn thu hút khán giả màn ảnh nhỏ bằng kịch bản gây cấn khi luôn đẩy các nhân vật vào chân tường, bị hàng triệu xác sống bao quanh. Thêm vào đó, phần hóa trang nhân vật cũng là một trong những điểm mạnh của bộ phim. Giới phê bình đồng thuận cho rằng "The Walking Dead" là phim hậu tận thế đỉnh cao.

Sẽ thiếu sót nếu bỏ qua bộ phim "Game of Thrones" đang "làm mưa làm gió" trên kênh HBO và mạng trực tuyến. "Game of Thrones" dựa trên loạt truyện cùng tên của tác giả George R.R. Martin, xoay quanh cuộc chiến của 7 gia tộc hùng mạnh giành quyền thống trị vùng đất giả tưởng Westeros. Xuyên suốt phim là những cuộc chiến không ngừng nghỉ với tất cả yếu tố bạo lực lẫn tâm lý, ẩn sau những mưu đồ chính trị phức tạp. Phát sóng phần đầu vào năm 2011, bộ phim ngay lập tức thu hút 2,5 triệu lượt người xem tại Mỹ và phần cuối đạt kỷ lục với 8 triệu lượt người xem vào năm 2015. Cả 5 phần của bộ phim đều được giới phê bình phim Bắc Mỹ xếp vào danh sách phim hay nhất năm. Năm 2013, Hiệp hội biên kịch Mỹ xếp "Game of Thrones" đứng thứ 40 trong danh sách 101 kịch bản truyền hình xuất sắc. Phim không chỉ gây hiệu ứng lớn trên các trang mạng xã hội mà còn nhận được nhiều giải Emmy nhất (chiến thắng 12/24 danh hiệu được đề cử, trong đó có danh hiệu quan trọng "Bộ phim truyền hình chính kịch xuất sắc nhất").

Đặc biệt, năm 2015, màn ảnh nhỏ Âu- Mỹ hồi sinh dòng phim siêu anh hùng- thể loại phổ biến trên màn ảnh rộng. Điển hình, "The Flash" và "Jessica Jones" đều nhận được phản ứng tích cực từ giới chuyên môn và khán giả. Khác với phim điện ảnh, những siêu anh hùng trên màn ảnh nhỏ có khả năng ứng biến, xử lý tình huống tài tình mà không cần dựa vào năng lực siêu nhiên.

Phim truyền hình Âu- Mỹ đang trở lại với sức sống mãnh liệt. Có được thành công này, các nhà làm phim ngoài thay đổi cách tư duy đề tài, xây dựng nhân vật còn phải đầu tư công nghệ hiện đại.

* Hiện đại hóa kỹ nghệ làm phim

Kỹ xảo và công nghệ góp phần không nhỏ cho thành công của phim truyền hình hiện nay. Chẳng hạn, "Game Of Thrones" có sự đầu tư hoành tráng không hề thua "bom tấn" màn ảnh rộng. Ngoài bối cảnh thật quay ở hàng chục quốc gia: Ireland, Malta, Croatia, Morocco… phần lớn không gian trong "Game Of Thrones" đều sử dụng công nghệ 2.5D tạo nên cảnh sống động. Vì vậy, "Game Of Thrones" từng được đề cử Emmy hạng mục "Kỹ xảo xuất sắc nhất". Hàng loạt tác phẩm "Sense8", "The Breaking Bad", "Sherlock Holmes"… đều sử dụng công nghệ để tạo hiệu ứng cho phim.

“Game Of Thrones” được mệnh danh là “bom tấn” truyền hình. 

Công nghệ số cũng tham gia vào sự phát triển của phim truyền hình. Ngày nay, truyền hình cáp, truyền hình trực tuyến cho phép người xem tiếp cận tác phẩm nhanh và chất lượng hơn. Người xem sẵn sàng chi ra mức phí 125 USD/ tháng cho hợp đồng truyền hình cáp và internet băng thông rộng. Thậm chí nhiều người chấp nhận trả thêm mức phí 15 USD cho kênh truyền hình cáp phát trực tuyến các phim ăn khách như: "Game of Thrones", "The Breaking Bad", "Sherlock Holmes"… Ví dụ, để xem trực tuyến mỗi phần "Game of Thrones" trên kênh HBO, người xem sẵn sàng trả thêm từ 15-25USD/ tháng tại Mỹ, nhưng tại Anh phải trả đến 26 Bảng Anh/ tháng và ở Úc là 52 USD/ tháng. Nhờ vậy, các phim truyền hình có thêm tiếng vang. Ví dụ như "Games of Thrones" thì có đến 120 triệu thuê bao của HBO, còn "The Breaking Bad" có đến 94 triệu thuê bao AMC, "House of Cards" có 65 triệu thuê bao Netflix. Truyền hình trả tiền giúp các phim truyền hình tiếp cận khán giả nhanh, nhưng đổi lại đòi hỏi các nhà làm phim phải đầu tư chỉn chu, chất lượng mới có thể mang về lợi nhuận.

***

Có thể nói, sự tác động của công nghệ thực sự giúp các tác phẩm truyền hình thay đổi tích cực, nhất là nội dung và công nghệ.

Ái Lam
(Tổng hợp từ Nytimes, Hollywoodreporter, Telegraph)

Chia sẻ bài viết