16/06/2012 - 09:11

Thói dối trá !

Có rất nhiều ý kiến về câu 2 (phần chung) trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn- Giáo dục trung học phổ thông năm 2012. Không ít ý kiến chê nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khen câu 2 của đề thi này là rất hay.

Đề bài yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về "Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội". Đề tài không mới nhưng có tính thời sự và nêu yêu cầu cụ thể, rõ ràng không đánh đố thí sinh. Yêu cầu thí sinh nhìn nhận đúng- sai về một hiện tượng đang tồn tại trong giới trẻ hiện nay. Tuy rất đau lòng nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng: thực tế, một bộ phận trong giới trẻ hiện nay có thói quen "nói dối". Và thói quen này lại được hình thành từ rất lâu. Nhiều nhà tâm lý cho rằng, trách các em nói dối một thì phải trách phụ huynh, giáo viên đến mười. Tại sao vậy? Bởi vì dù không cố ý nhưng ngay từ nhỏ học sinh đã vô tình học phải thói nói dối từ những việc, những người xung quanh mình. Một đứa trẻ mầm non bị cô nắm tai đến bầm đỏ nhưng lại được cô dạy về báo với cha mẹ là "con bị bạn nhéo". Và để học sinh dự thi "vở sạch chữ đẹp" đạt giải cao, giáo viên yêu cầu ngày nghỉ, học sinh phải vào trường viết lại tất cả tập mà các em học... Thấy thầy cô- mà thông thường với học sinh là "thần tượng" nói dối- trẻ bắt chước theo phải chăng là chuyện thường tình.

Trong quá trình hình thành thói quen nói dối của trẻ có sự đóng góp không nhỏ của phụ huynh. Hôm rồi, đứng ở cổng một trường tiểu học, tôi nghe một học sinh thắc mắc với mẹ mình: "Tại sao mẹ đóng tiền cho cô hơn 100.000 đồng để con dự liên hoan mà mẹ chỉ nói với ngoại có 30.000 đồng?". Mẹ cháu giải thích "vì bà ngoại già nên nghĩ số tiền đó nhiều, nói bớt đi cho bà ngoại đỡ tiếc". Nghe lời giải thích, nhiều người chấp nhận đây là lời nói dối vô hại. Nhưng nếu em học sinh này bắt chước thì những lời nói dối như thế này lại nguy hiểm vô cùng cho quá trình hình thành nhận thức đúng- sai của em. Và khi thấy cha mẹ, thầy cô mình nói dối được, trẻ sẽ bắt chước: lần 1, lần 2.... rồi thành thói quen. Bạn tôi vừa than, không hiểu sao con của bạn không bao giờ nhận mình làm sai bất cứ chuyện gì. Thậm chí, nó còn nghĩ ra được những cách nói dối mà người lớn phải bất ngờ. Câu nói ở cửa miệng của nó là "con không biết, không phải con...".

Cách đây khá lâu, trên một diễn đàn mạng, người ta bàn luận về "sự trung thực" và câu hỏi đặt ra là "trung thực để được gì?". Điều đáng ngạc nhiên là có không ít ý kiến chia sẻ sự thua thiệt của mình khi trung thực trong quá trình công tác. Và càng ngạc nhiên hơn khi ý kiến này lại được dư luận tán đồng. Liệu có phải sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội đang lên ngôi khi "thói dối trá” lộng hành? Không ít người tâm huyết với sự nghiệp trồng người phấn khởi với câu hỏi trong đề thi tốt nghiệp về "thói dối trá” vừa qua. Nhiều người hy vọng- đây sẽ là một tiền đề để ngành giáo dục và gia đình cùng bàn bạc để thống nhất trong cách giáo dục về sự trung thực cho học sinh. Mong sao, hy vọng này không chỉ là "hy vọng" mà là thực tế của cuộc sống sinh động hôm nay!

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết