08/09/2010 - 21:22

Xuất khẩu nông sản

Thời cơ và thách thức

Kho trữ gạo xuất khẩu của một doanh nghiệp ĐBSCL. Ảnh. vinacorp

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình xuất khẩu nông sản 8 tháng đầu năm là một tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp, với nhận định rằng thị trường thế giới đang có những chuyển biến thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như gạo, cao su, tiêu... Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo về chiến lược phát triển nông nghiệp lâu dài.

Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản 8 tháng đầu năm đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu nông sản đạt kết quả khả quan được cho là do thị trường thế giới có nhiều biến động bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp ở một số nước như cháy rừng ở Nga, nạn hạn hán và bão lũ ở Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Philippines... Thiên tai ở nhiều nước khiến sản lượng lương thực trên thế giới sụt giảm mạnh, tác động không chỉ tới giá cả các mặt hàng lương thực, mà còn gây tâm lý lo ngại về tình hình an ninh lương thực ở nhiều nơi. Mới đây nhất, Nga đã quyết định kéo dài thời hạn cấm xuất khẩu lúa mì tới cuối năm 2011, gây hoang mang các thị trường lương thực thế giới.

Giá lúa mì tăng cao buộc nhiều nước châu Phi chuyển sang mua gạo, đẩy nhu cầu gạo toàn cầu tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo cả nước tăng 8,2% về lượng và tới 12,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bình quân đạt khoảng 485 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, cao su mới là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh nhất, từ “cơn khát” mặt hàng này trên thị trường thế giới. Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân đạt hơn 2.750 USD/tấn trong 8 tháng đầu năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su giai đoạn này đạt 1,15 tỉ USD, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự là mặt hàng tiêu xuất khẩu với kim ngạch 8 tháng đạt 312 triệu USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu khác cũng tăng giá theo đà chung của thế giới, ngoại trừ cà phê.

Tuy nhiên, dù đang có xu hướng tăng giá, nhưng xuất khẩu gạo đã gần đạt chỉ tiêu 6 triệu tấn, nên từ giờ đến cuối năm các doanh nghiệp không ký thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu. Trong khi đó, diện tích trồng tiêu cũng có xu hướng giảm ở các tỉnh như Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, bởi chi phí cho cây trồng này tăng cao nên người trồng không còn lãi...

Mặt khác, một thực tế đang diễn ra đối với ngành nông nghiệp Việt Nam là các mặt hàng xuất khẩu tuy có sản lượng lớn, nhưng giá trị chưa cao và kém hơn nhiều nước trong khu vực. Ví như với Malaysia, tuy lượng xuất khẩu của nước này trong năm 2009 chỉ tăng 2%, nhưng đã tạo ra 14% tăng trưởng giá trị xuất khẩu, còn Thái Lan gia tăng 8% lượng xuất khẩu nhưng cũng tạo ra giá trị xuất khẩu tăng 18%. Các chuyên gia cho rằng với năng lực xuất khẩu hiện tại của Malaysia, nếu nước này đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 9% về lượng thì giá trị xuất khẩu có thể tăng tới 63%. Trong khi đó, đối với Việt Nam, thực tế tăng 9% lượng xuất khẩu chỉ tương đương với tăng 26% về giá trị. Vì lý do này, mặc dù nhiều ngành hàng của Việt Nam đứng thứ hạng cao xuất khẩu như tiêu, gạo, cà phê, điều, cao su... nhưng lợi ích mang về chưa cao, do thiếu các khâu gia tăng giá trị hàng hóa, vốn còn phải lệ thuộc vào các trung gian thương mại nước ngoài, làm tăng chi phí và bị ép giá trong một số trường hợp...

Do đó, để tránh thua thiệt khi giá nông sản tăng cao mà không còn hàng hóa để xuất khẩu hoặc bị ép giá khi nhu cầu thế giới xuống thấp, Việt Nam đang rất cần một chiến lược phát triển lâu dài cho các mặt hàng nông sản, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kho dự trữ để bảo quản nông sản hiệu quả, cũng như các khâu gia tăng giá trị.

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết