Bài, ảnh: THANH MAI
Trái với thái độ thận trọng của nhiều người, GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về lúa gạo cho biết, việc nhiều quốc gia lúa gạo áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo chính là thời cơ để Việt Nam tăng tốc hướng tới giá trị kinh tế lẫn giá trị nhân văn.
Thu hoạch lúa trên một cánh đồng ở An Giang.
Hạn chế vì… thời tiết
Theo ThS. Nguyễn Phước Tuyên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ðồng Tháp, nguyên nhân chính khiến 2 "ông lớn" của thị trường lúa gạo toàn cầu Ấn Ðộ, Thái Lan (và mới nhất là Nga và UAE) "khép cửa" xuất khẩu gạo là do thời tiết cực đoan của El Nino 2023.
Nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít lại, kéo theo nạn hạn hạn kéo dài… đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống, sản xuất. Trong đó đặc biệt là cây lúa nước, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất… đã khiến nhiều quốc gia cẩn trọng với an ninh lương thực (ANLT).
Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng, thủy văn dự báo nhiều khả năng thời tiết tiêu cực này sẽ còn tiếp a tăng trong thời gian tới.
Theo TS. Tô Văn Trường, chuyên gia nghiên cứu độc lập về tài nguyên nước, các cảnh báo về sự hình thành và khả năng mạnh lên, cho thấy khả năng El Nino năm 2023 có thể đạt cấp rất mạnh. Ngoài ra, theo TS. Tô Văn Trường, một điểm đáng lưu ý và đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu đó là tác động kép của hiện tượng El Nino trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BÐKH).
Tức là BÐKH có thể làm trầm trọng hơn các cực đoan khí hậu trong các năm El Nino. Ðiều này cho thấy, khả năng mở cửa lại xuất khẩu gạo của 2 "ông lớn" trong năm 2023, thậm chí là những tháng đầu năm 2024 là rất thấp.
Việt Nam cần tăng tốc
Việc 2 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu quyết định tự "hạn chế", lập tức tạo ra cơn "địa chấn" thị trường thương mại lúa gạo toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam. Theo ThS. Nguyễn Phước Tuyên, dù nhiều năm qua đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo và sản lượng trong nước không ngừng được cải thiện, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu trên 1 triệu tấn gạo/năm và đứng hàng thứ 7 thế giới. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 900.000 tấn gạo. Vì thế, trước thực tế này, một số ý kiến kêu gọi chú ý đến yếu tố ANLT.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng, cần tận dụng thời cơ này để tăng tốc xuất khẩu. Trước hết, chúng ta vẫn còn "rộng cửa" nhập khẩu gạo bên ngoài Ấn Ðộ. Do thiếu năng lực xay xát, nên mỗi năm Campuchia đưa hàng trăm ngàn tấn lúa sang xay xát và bán tại Việt Nam. Thực tế trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 650.000 tấn lúa từ thị trường này nhập vào Việt Nam. Ðây là nguồn bổ sung rất quan trọng để Việt Nam có thêm cơ hội để gia tăng xuất khẩu. Mặt khác, với tiến bộ khoa học hiện nay, tối đa là sau 3 tháng vùng ÐBSCL lại có vụ lúa mới. Trong khi đó, ngoại trừ vùng ven biển và đặc thù với chế độ bán thủy triều, vùng hạ lưu sông Mekong có nguồn nước ngọt dồi dào nuôi cây lúa quanh năm.
Vì thế theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đây là thời cơ tốt để Việt Nam mở rộng xuất khẩu nhằm hướng tới mục tiêu kép: Vừa tăng giá trị kinh tế, vừa tăng giá trị nhân văn.
Trước hết, đây là cơ hội để Việt Nam lập lại mặt bằng giá mới trên thị trường gạo thế giới mà nhiều năm qua chúng ta chưa làm được. Qua đó tăng thêm nữa cơ hội cho người trồng lúa gia tăng lợi nhuận.
"Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh về thị trường, sản lượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần ngồi lại và chung tay nhau xây dựng giá mới"- GS.TS Võ Tòng Xuân, kiến nghị.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn, mà còn tạo cơ hội để Việt Nam đạt giá trị về nhân văn.
"Hiện nhiều quốc gia, nhất là ở châu Phi đang khó khăn về lương thực, vì thế chúng ta cân đối với giá bán tăng thêm để bán cho các quốc gia này với giá thấp để khẳng định: Việt Nam mở rộng cơ hội cho người dân các quốc gia này tiếp cận lương thực" - GS.TS Võ Tòng Xuân, nhấn mạnh.
Cần sự trợ lực …
Thời cơ rộng mở, nhưng không nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đón nhận đầy đủ. Nguyên nhân là do thiếu trợ lực.
Một lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, thiếu thông tin dự báo dài hạn nên chưa chủ động được chuẩn bị nguồn gạo đúng tầm cơ hội. Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng do còn hạn chế về khâu truy xuất nguồn gốc nên rất khó bán gạo được giá cao như mong muốn. Ðể khắc phục vấn đề này, cần đầu tư vùng nguyên liệu trên diện tích lớn... Vì thế, bên cạnh nhu cầu hình thành đơn vị dự báo mang tính đón đầu, chiến lược và bài bản, giúp đón đầu cơ hội với tâm thế chủ động… Doanh nghiệp cũng rất cần được trợ lực nguồn vốn lớn và dài hạn để đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng, đáp ứng các rào cản kỹ thuật nhiều quốc gia. Ðiều này có thể đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, nhưng hiệu quả sẽ rất cao. Vì không chỉ mang lại cho gạo Việt "tấm hộ chiếu toàn cầu", rộng đường đi vào thị trường nhiều quốc gia khó tính, mà còn dễ dàng bán được giá cao cả khi thị trường thương mại lúa gạo thế giới "đóng" lẫn "mở".