04/09/2019 - 09:40

Thị trường “dễ tính” chỉ là thứ “bùa mê”! 

Từng là thị trường dễ tính, giờ đây Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc lưu ý các doanh nghiệp trong nước khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các thương vụ, chi nhánh thương vụ và văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc và tại Việt Nam, để kiểm tra và thẩm định thông tin, chọn lựa đối tác phù hợp, có uy tín.

Thận trọng của người bán

 Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên, TP Cần Thơ, điều đáng cân nhắc là Trung Quốc phá giá đồng NDT ảnh hưởng mọi thứ và thực ra mua bán tùy vào mối quan hệ nên khi bạn hàng không đặt hàng thì mình có lý do tạm dừng để “nghe ngóng” tình hình. Gạo là điểm yếu nhất so với trái cây vì không có vùng nguyên liệu, không dễ truy xuất nguồn gốc. Đối với trái cây, khó nhất đang dồn về chành vựa vì không thể đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc.

 “Hồi đầu năm, có mấy đoàn doanh nghiệp Trung Quốc tới xem vùng trồng và nói rằng hàng này đi chính ngạch”-ông Nguyễn Thành Quý, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Từ đó, giá mua 10.000 đồng/kg khoai tím Nhật, nhưng số lượng đi chính ngạch chừng 10-15%, còn lại đi tiểu ngạch, tiêu thụ nội địa và số ít ỏi đi các thị trường khác. Họ yêu cầu về kích cỡ, sơ chế, khoai đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Giá dao động từ 9.000-10.000 đồng/kg (khoai tím Nhật); khoai đỏ, khoai sữa các loại chỉ bằng 80% giá khoai tím Nhật.

 Ông Ngô Văn Tua, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thành Đông, ấp Thành Tân, xã Thành Đông, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Tháng trước, có một đoàn Campuchia qua đây đặt mua khoai lang, điều kiện dễ chịu hơn Trung Quốc. Họ khoái rẻ và mua cả khoai tím Nhật, khoai đỏ và khoai sữa. Một số đối tác từ Thái Lan, DuBai, Maylaysia cũng tới đây tìm hiểu vùng trồng để mua hàng, nhưng chưa mạnh bạo bằng Trung Quốc và Campuchia”.

Theo ông Tua, lúc thị trường Trung Quốc hút hàng, giá bán khoai tím Nhật ở mức 9.000 đồng/kg. Với năng suất 22 tấn/ha, nông dân có lời từ 120-150 triệu đồng/ha. Nhưng cơ hội chỉ ngắn hạn. Cuối năm ngoái, giá khoai rớt xuống còn 3.800-4.000 đồng/kg (230.000-250.000 đồng/tạ), nông dân bị lỗ. Ai nấy ao ước phải chi có doanh nghiệp nào đó có đủ năng lực tài chính để đứng ra thu gom hay có một nhà máy chế biến nào thích ứng quy mô vùng trồng 9.000-10.000ha thì dân mình đâu mãi bán khoai thô, chành vựa đâu phải bán qua Lào theo đường tiểu ngạch, chi phí chiếm hơn 1/3 doanh số.

 Quyền của người mua

 Quả vải phải cắt cuống chỉ còn lại dưới 15cm, bỏ lá, thùng đựng trái vải cao không quá 38cm, phải có nhãn mác ghi rõ thông tin về sản phẩm, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu; dưa hấu phải dán mã truy xuất nguồn gốc (QR code), không được lót rơm, rạ… vì có nguy cơ lây lan những loại dịch bệnh, vi sinh gây hại; chuối phải đóng thùng có nhãn mác, trái mít phải bao gói bằng giấy kraft sạch sẽ với đầy đủ tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Gạo phải đảm bảo thời gian xông trùng đạt 120 giờ; mẫu kiểm tra phải được đưa đến cơ sở của Trung Quốc kiểm nghiệm; phương tiện vận tải từ Việt Nam sang Trung Quốc phải được gắn chip điện tử, trở về không được tháo ra… Từng đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả, chiếm trên 72% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, Trung Quốc đang siết chặt thương mại biên giới sau khi sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm động thực vật vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

 Có thể nhìn thấy nhiều vấn đề đặt ra ở cả hai chiều xuất-nhập khẩu: Từ ngày 20-8, Trung Quốc cấp C/O theo mẫu mới (Form E) cho hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam và yêu cầu thực hiện ngay, nhưng so với mẫu C/O được quy định tại Thông tư 12/2019/TT-BCT ngày 30-7-2019 của Bộ Công thương Việt Nam về quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc thì (phụ lục II theo Thông tư 12/2019/TT-BTC) có một số điểm khác biệt so với mẫu C/O hiện hành. Do vậy, các đơn vị hải quan cửa khẩu không có căn cứ để chấp nhận các C/O mẫu mới do doanh nghiệp cung cấp. 

Đến 25-8, Bộ Công thương mới thông báo với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chấp nhận C/O mẫu E mới theo thỏa thuận giữa các nước thành viên ACFTA (theo thông báo mới đây của Trung Quốc và ASEAN).

Mãng cầu xiêm được giá do gia tăng xuất khẩu trái tươi và chế biến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Trong ảnh: Thương lái thu mua mãng cầu xiêm của nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: VĂN CỘNG

Thông tư 12/2019/TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 12-9-2019. Do đó, doanh nghiệp muốn thông quan lô hàng thì phải nộp thuế trước và nợ C/O, khi quy định có hiệu lực DN sẽ nộp bổ sung C/O theo quy định để được hoàn thuế, hưởng ưu đãi thuế.

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Trung Quốc đang than khó. Ngược lại các chuyến hàng xuất khẩu đang rơi vào ùn tắc khi hàng rào tiểu ngạch vào Trung Quốc đóng kín cửa từ 1-5.

 Hồi tháng 1-2019, Hải quan Trung Quốc đã kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả nhập từ Việt Nam theo phần “Phụ lục” có ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng ký, hàng hóa có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam và đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận. 

Đối với cửa xuất khẩu chính ngạch, chỉ có 9 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép xuất vào Trung Quốc là: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt. Các mặt hàng trái cây tươi phổ biến khác: Sầu riêng, mảng cầu (na), bưởi, chanh leo, dừa, mận… Nếu không phải từ các nhà vườn, cơ sở được công nhận, tem nhãn không có chữ Trung Quốc đầy đủ theo yêu cầu truy nguồn gốc, xuất xứ; Hải quan Trung Quốc sẽ không cho phép thông quan.

Để có tem truy xuất nguồn gốc (không phải nhãn hàng hóa), doanh nghiệp phải đăng ký với các cơ quan thực thi về hoạt động thông tin truy xuất nguồn gốc rồi mua tem nhãn trên cơ sở xác nhận mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Bao bì phải đúng với sản phẩm bên trong, không được ghi sản phẩm này nhưng chứa loại khác. Mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc cần thực hiện theo hợp đồng như thông lệ thương mại quốc tế.

Đối với mặt hàng tôm, cá ướp lạnh (ướp đá) không được phép thông quan mà phải chuyển sang hình thức cấp đông. Các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm, cấp mã cơ sở nuôi, ao nuôi… vào Trung Quốc sẽ được thực hiện chặt chẽ như các thị trường chuẩn mực.

Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) của Trung Quốc được xem là người cung cấp tem nhãn truy xuất cho doanh nghiệp làm hàng xuất sang nước này.

 Bất ngờ nhưng không lạ lẫm

 Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), việc xử lý nhanh chóng, thông suốt, rốt ráo những hồ sơ cho 7 loại trái cây (sầu riêng, dừa, khoai lang, thạch đen…) đang được hoàn thiện để xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, Cục BVTV cũng cảnh báo Trung Quốc hiện có 35.000ha thanh long trồng mới ở Quảng Tây và đảo Hải Nam và điều đó có thể giải thích vì sao hiện nay giá thanh long chỉ ở mức 10.000 đồng/3kg?

Nguồn sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng phải đáp ứng yêu cầu vô cùng chi tiết từng lô sản xuất, người vắt sữa, quy cách, đóng gói… Cục Chăn nuôi đang xây dựng các hình mẫu bò sữa an toàn tại Tây Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng… theo Cục Chăn nuôi, việc giám sát 13 trang trại (60.000 con) của 5 doanh nghiệp: TH True milk, Vinamilk, Hà Nội Milk, Sữa Mộc Châu, Nutifood đảm bảo an toàn dịch bệnh  phải tuyệt đối không có 3 loại bệnh nguy hiểm lở mồm long móng, lao bò và nhiệt thán.

 Ngay sau khi được phía Trung Quốc chấp nhận, Cục Chăn nuôi sẽ cập nhật danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên website của Cục (www.ppd.gov.vn). Hiện nay, Cục BVTV đã tổng hợp và được phía Trung Quốc chấp thuận đối với 1.200 mã số vùng trồng cho 8 loại trái cây đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tại 42 tỉnh, thành trên cả nước cùng 608 mã số cơ sở đóng gói tại 31 tỉnh, thành, vẫn còn 21 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng; 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói được cấp để xuất khẩu các loại trái cây sang Trung Quốc.

Theo Tổng cục Thủy sản, việc đánh mã số vùng nuôi, chỉ mới đạt 5.200/5.400ha ao nuôi cá tra. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đôn đốc để 1 tháng nữa phải hoàn thành việc đánh mã số vùng nuôi vì không chỉ ở vùng nuôi cá tra  mà cả vùng nuôi tôm cũng tiến hành chậm so tốc độ mở rộng diện áp dụng truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đối với các mặt hàng thủy-hải sản.

 Thị trường dễ tính chỉ là thứ bùa mê. Thực ra, những tiêu chuẩn kỹ thuật từ Trung Quốc có nhiều tình huống bất ngờ, nhưng không lạ lẫm. Tất cả đã được kể lại hoặc thông báo ở đâu đó trong suốt 10 năm nay, nhưng người sản xuất trong nước chỉ nghe thương lái nói về thị trường dễ tính và không chịu thay đổi. Do đó khi cánh cửa tiểu ngạch đóng lại và trước mặt là cửa ải chính ngạch với đầy thách thức, nếu đã quen làm hàng xuất sang các nước phát triển thì giờ đây tiêu chuẩn kỹ thuật không có gì bất ngờ.

Vấn đề đặt ra là biết rồi thì thay đổi thế nào? Làm sao số đông nhà cung cấp kịp thời nắm được thông tin thay đổi từ thị trường, pháp lý, tiêu chuẩn và hiểu được văn hóa ở các quốc gia nhập khẩu, không chỉ ở thị trường “khi nóng- khi lạnh” như Trung Quốc mà ở nhiều thị trường khác nữa.

Châu Lan

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Mãng cầu xiêm