07/11/2021 - 11:37

Thị trường bất động sản linh hoạt thích ứng khi tái khởi động 

Sau thời gian chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, thị trường bất động sản (BÐS) kỳ vọng sớm phục hồi và quay về chu kỳ tăng trưởng ổn định. Mới đây, Báo Người Lao động tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “BÐS trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng” với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế. Tại tọa đàm, các giải pháp để nắm bắt nhịp đập thị trường BÐS và tìm giải pháp linh hoạt thích ứng đã được các đại biểu phân tích thảo luận nhằm tạo “bệ phóng” cho các doanh nghiệp BÐS phát triển trong xu thế mới.

Một dự án văn phòng cho thuê đang được triển khai thi công trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Cầu BÐS không giảm

Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BÐS Việt Nam, các sàn giao dịch BÐS gặp khó khăn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, người mua sụt giảm mạnh nên hoạt động môi giới giảm đáng kể. Trong giai đoạn hiện tại, rất cần sự phục hồi về niềm tin của khách hàng đối với thị trường. Và với sự thận trọng nhất định, khách hàng có xu hướng tập trung vào những thị trường có lợi thế, có tính ổn định, những vùng kinh tế phát triển… Những chủ đầu tư lớn có uy tín, có sản phẩm tốt, có các chương trình thanh toán thuận lợi, hỗ trợ lãi suất… sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chuyên gia tài chính ngân hàng, tác động của đại dịch khiến lĩnh vực văn phòng cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch rất khó khăn nhưng BÐS khu công nghiệp, logistics vẫn tốt. Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh cũng góp phần đẩy nhanh khả năng phục hồi của thị trường BÐS...

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Xây dựng ghi nhận thị trường BÐS trong giai đoạn các địa phương thực hiện giãn cách triệt để như vừa qua gặp khó khăn và giảm cả về nguồn cung lẫn lượng giao dịch. Theo ông Vương Duy Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà - Thị trường BÐS, Cục Quản lý nhà và Thị trường BÐS, Bộ Xây dựng, qua phân tích báo cáo của từng địa phương cho thấy sự sụt giảm của thị trường BÐS ở các địa phương không giống nhau và không phải do nhu cầu giảm mà là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động của dịch bệnh tạo nên. Ðặc biệt là lực cầu và giá bất động sản nhìn chung không giảm. Ở các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh có ghi nhận giá thuê mặt bằng có chiều hướng giảm. Và các nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ðiều quan trọng là rất cần sự đồng hành, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành. Cùng với đó là sự quyết liệt trong triển khai sớm các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BÐS.

Ðón cơ hội khôi phục

Qua phân tích về vấn đề tiếp cận đất đai, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Nghị định 148/2020/NÐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Ðất đai đã giải quyết giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, quy định về những đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất, cho thuê đất; gỡ vướng cho các DN trong quá trình sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi được hỗ trợ tạo mặt bằng để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nghị định 148 cũng rút gọn một số giấy tờ, hỗ trợ người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở. Theo bà Vân Anh, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai tổng kết thi hành Luật Ðất đai 2013 và sửa đổi dự án Luật này. Luật Quy hoạch cũng đang được thẩm tra, thẩm định ở Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội thông qua. Trong đó, có dự thảo phương án quy hoạch đề xuất, đất ở khu công nghiệp, đất ở đô thị, đất cho hạ tầng… sẽ được tăng lên đáp ứng trong tình hình mới. Ðịnh hướng quy hoạch cấp quốc gia sẽ là cơ sở lập quy hoạch các cấp để làm cơ sở cho địa phương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất các cấp, thúc đẩy thị trường phát triển trong thời gian tới.

Ở cấp độ địa phương, ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Làn sóng dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án đầu tư công lẫn các dự án đầu tư ngoài ngân sách và trong quý IV, thành phố tập trung vào các hoạt động khôi phục kinh tế, thúc đẩy đầu tư công, tập trung giải ngân xây dựng cơ bản. Trong giai đoạn dịch bệnh, thành phố cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp về đầu tư nhà ở cho công nhân. Ðối với vấn đề này, thành phố đã giao cho Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân và các đối tượng phù hợp theo quy định. Trong xu thế chung của cả nước, thành phố cũng đã từng bước khắc phục các vướng mắc, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi và cố gắng tạo môi trường minh bạch khi thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh bất động sản một cách bình đẳng để chung tay phát triển...

Theo các chuyên gia, để tiếp sức phục hồi thị trường BÐS cần có các chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, chương trình kích cầu lãi suất để tạo dòng tiền cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động. Ðiều quan trọng hơn cả là các bộ, ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường BÐS trước, trong và sau đại dịch, xem sự phát triển, phục hồi của thị trường gắn liền với đà phục hồi kinh tế. Ðây là những động lực cần thiết để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từng bước khôi phục niềm tin thị trường và vững bước vượt qua thách thức đón đà phục hồi trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết