05/04/2017 - 09:14

Tuyển sinh năm 2017

Thí sinh thuận lợi, trường lo hồ sơ ảo

Từ thực tế tuyển sinh năm 2016, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) điều chỉnh một số quy chế tuyển sinh phù hợp, tạo thuận lợi cho thí sinh khi đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Trong khi đó, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) vẫn nơm nớp lo hồ sơ ảo.

Cần cân nhắc kỹ

Thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT năm 2016 vào Trường CĐ Cần Thơ.  

Từ ngày 1-4, các thí sinh (TS) bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT cùng lúc với ĐKXT ĐH, CĐ. So với năm 2016, năm 2017, TS không bị giới hạn số lượng nguyện vọng, số trường khi ĐKXT; các nguyện vọng của TS được sắp theo thứ tự ưu tiên. Quy định này giúp tăng thêm lựa chọn cho TS vào trường phù hợp nhưng có thể khiến TS bối rối trước "rừng" thông tin về ngành, trường hiện nay. Do đó, cán bộ quản lý các trường khuyên TS cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao ngay đợt 1. Phần lớn các trường ĐH, CĐ công bố thông tin đề án tuyển sinh riêng cũng như điểm chuẩn trúng tuyển từng ngành các năm trước, giúp thí sinh có lựa chọn phù hợp.

Trường ĐH Cần Thơ, năm 2016, một số ngành điểm chuẩn trúng tuyển cao là: Sư phạm Ngữ văn (21,25 điểm), Sư phạm Vật lý (20,75 điểm), Công nghệ kỹ thuật hóa học (20,5 điểm)… Mức điểm trúng tuyển năm 2016 của 8 ngành đào tạo thuộc Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, từ 21,25 điểm trở lên; trong đó, ngành Y đa khoa có mức điểm cao nhất: 25 điểm (điểm chuẩn ĐBSCL). Điểm trúng tuyển năm 2016 của các ngành đào tạo của Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ là từ 15 điểm trở lên.

Theo cán bộ quản lý các trường, TS lưu ý, sau khi có kết quả thi THPT mới được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, để có lựa chọn phù hợp, TS cần xác định được trường và ngành yêu thích. Sau đó, dựa trên kết quả thi và so sánh điểm chuẩn ngành đó những năm trước để quyết định nộp hồ sơ... Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, lưu ý: "Khi làm hồ sơ ĐKXT, TS ghi chính xác thông tin trong phiếu. TS cân nhắc chọn trường, ngành có mức điểm chuẩn tương đối phù hợp với sức học; đồng thời phải phù hợp điều kiện kinh tế gia đình. Thực tế có trường hợp TS sau thời gian học ở TP Hồ Chí Minh, vì không đủ tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt nên phải về học ở TP Cần Thơ".

Lo "bệnh" thí sinh ảo

TP Cần Thơ hiện có nhiều trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh. Những quy định mới trong tuyển sinh ĐH giúp TS có nhiều cơ hội chọn lựa học tập, trong khi đó, các trường ĐH, CĐ, nhất là cơ sở giáo dục nghề nghiệp lại canh cánh nỗi lo hồ sơ ảo, thí sinh ảo. Theo nhiều cán bộ quản lý đào tạo các trường, trong những đợt nhận hồ sơ, số lượng thí sinh ĐKXT vào trường khá cao (tăng gấp đôi, gấp ba lần so với chỉ tiêu tuyển). Nhưng khi có kết quả, các trường tuyển không đủ chỉ tiêu, bởi số TS ảo, hồ sơ ảo chiếm 40% - 50%.

Để hạn chế tránh tình trạng TS ảo, năm nay, Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách TS trúng tuyển với nguyện vọng phù hợp nhất; công khai danh sách để các trường tham khảo, làm căn cứ. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào điều kiện thực tế của trường nêu trong phương thức tuyển sinh trong thời gian cho phép để quyết định danh sách TS trúng tuyển chính thức, quyết định dừng hay tiếp tục xét tuyển bổ sung. Điều này sẽ giảm và tránh tình trạng dữ liệu ảo của các trường xét tuyển.

Năm nay, các cơ sở giáo dục CĐ, trung cấp chuyên nghiệp chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, đồng nghĩa với việc không còn sử dụng chung phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nên khả năng lọc TS ảo hết sức khó khăn. Theo Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, hằng năm, trường đều gặp tình trạng TS ảo nên lúc nào cũng phải có phương án dự phòng để tuyển sinh đạt hiệu quả. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh cho biết: "Những năm gần đây, tỷ lệ TS ảo của trường chiếm khoảng 50%. Năm nay, trường càng lo lắng hơn, bởi không còn sử dụng chung phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trường xây dựng phần mềm riêng và chỉ nắm số TS nộp về trường. Trong khi đó, TS được nộp nhiều nguyện vọng, có thể trúng tuyển vào nhiều trường, rất khó kiểm soát và gặp nhiều khó khăn". 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết