Bút ký * Nguyễn Thị Thanh Ngọc
Anh Lê Chí Dũng, Trưởng tiểu ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô huyện Phụng Hiệp, chở tôi theo anh Phó trưởng ấp 3, xã Lương Tâm (Long Mỹ - Hậu Giang). Con đường nhỏ, khá quanh co, khúc lót đan, khúc đá, khúc đất. Cách trụ sở xã quãng hai ba cây số, chúng tôi ghé nhà Huỳnh Văn Lâm - người cháu gọi liệt sĩ Huỳnh Văn Tám (Huỳnh Văn Tèo), là bác ruột. Từ khi bà nội qua đời, mười sáu năm qua, Lâm thờ bà và thờ cúng luôn người bác
Nhà Lâm có 6,5 công ruộng, một máy xới cầm tay, tính chung, thu nhập khoảng mười mấy triệu đồng trong năm. Với 6 nhân khẩu, Lâm (và anh phó ấp) đều cho rằng như vậy là "đủ ăn". Ừ, vậy nên cái nhà lá, cột cây, vách tôn cũng gần "tới tuổi" mà Lâm chưa dám nghĩ đến việc sửa sang. Trên cái bàn gỗ tròn cũ kỹ trước hiên nhà, Lâm trải tấm Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba do Nhà nước tặng cho liệt sĩ Huỳnh Văn Tám từ năm 1969.
Lâm nói mình không có ký ức về bác Tám, chỉ nghe nội kể, nhưng cũng không nhiều. Theo lời nội, bác có vóc người cao to, đen, hiền; trận Ông Hào, bác đã leo lên đọt bần, bắn rớt máy bay bằng súng trường
". Không biết chuyện anh Tám "leo đọt bần" đúng hay sai, chỉ biết, qua lời của Lâm, tôi chợt nhớ đến hai trong số nhiều bức ảnh được trưng bày tại Nhà truyền thống Di tích chiến thắng Ông Hào ở xã Trường Long (Phong Điền-Thành phố Cần Thơ). Một ảnh là xác chiếc cánh máy bay B57; ảnh kia là khẩu ga-răng mà anh Tám đã bắn máy bay B57 rơi!
* * *
 |
Anh Sáu Hổ (phải) đến thăm mộ 46 liệt sĩ Tiểu đoàn Tây Đô trận Cái Sắn ngày 21-5-1966. |
Theo lời hướng dẫn của anh Năm Trác, Trưởng tiểu ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô huyện Vĩnh Thạnh, tôi tìm về Nghĩa trang liệt sĩ Tân Hiệp - nơi có nấm mồ chung ấp ủ linh hồn bốn mươi sáu liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Cái Sắn vào hai ngày 20, 21-5-1966, tại kinh Zê-rô. Từ nơi này ngược về phía Cần Thơ khoảng chục cây số là Nhà lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô - sát bên cạnh trụ sở UBND thị trấn Thạnh An. Ở cả hai nơi đều có danh sách bốn mươi sáu liệt sĩ trên tổng số năm mươi hai người đã hy sinh trận Cái Sắn gần năm mươi năm trước! Hiện nay, Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô đã tìm được thêm danh tính của một số anh em
Nhưng vẫn còn đó một số liệt sĩ chưa được biết tên!
Anh Trần Phi Hổ (Sáu Hổ), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh), ngậm ngùi: "Dưới mộ cũng đâu đủ hài cốt bốn mươi sáu anh em. Càng không rõ hài cốt nào là của ai
". Là chiến sĩ địa phương quân Thốt Nốt có tham gia trận đánh Cái Sắn năm xưa, anh giãi bày: "Trận chiến không cân sức. Địa hình trống trải. Công sự không có nắp đậy do không dám tự ý chặt cây của dân làm nắp hầm. Anh em mình đa số bị máy bay bắn chết. Lúc rút đi, không đủ sức mang vác liệt sĩ theo như ngày đầu, lực lượng dân công đành lấp đất, chôn tạm anh em tại công sự
". Anh cho biết thêm, lúc ngành chức năng qui tập hài cốt liệt sĩ, "người cố cựu" không hay, nên một số anh em còn nằm rải rác đâu đó vẫn chưa được tìm thấy, chưa được đem về "sum họp" cùng đồng đội!
Tôi chạnh nhớ nguyện vọng của Lâm: "Khi nào rảnh và có tiền, em sẽ đi tìm hài cốt bác Tám"
Khi nghe anh Dũng nói về nấm mồ bốn mươi sáu liệt sĩ ở Tân Hiệp, Lâm tỏ ra mừng rỡ, an tâm, nhưng vẫn không khỏi bồn chồn "Không biết chừng nào em mới có dịp đi thăm ngôi mồ chung ấy!".
Tôi chợt "ngộ" thêm về nỗi đau chiến tranh - dù bản thân và gia đình không phải người-trong-cuộc. Càng hiểu thêm ý nghĩa việc làm của Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô. Bằng mọi cách có thể, anh em muốn bù đắp cho những người nằm xuống, và những thân nhân của họ còn đang sống, dù thuộc thế hệ nào, cũng có điều kiện thờ cúng liệt sĩ được trang trọng. Như việc đi tìm thân nhân liệt sĩ. Như việc tìm nhân chứng để xác nhận cho những trường hợp hy sinh - mà vì nhiều lý do, chưa được công nhận liệt sĩ. Như việc quyên góp gây quỹ xây nhà đồng đội, v.v
Kết hợp lời kể của một số người-trong-cuộc trận Cái Sắn năm xưa, tôi hình dung mình đang lần theo từng bước chân người lính!
* * *
Trưa ngày 18-5-1966, trung đội địa phương quân Thốt Nốt đi từ Thới Lai về tới Bảy Ngàn thì trời chạng vạng. "Nhập" với Tiểu đoàn Tây Đô và lực lượng dân công, đoàn người hành quân cả đêm tới sáng hôm sau là đến Kinh 6, "đầu dưới" của huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Khoảng bốn giờ chiều, lúc ngang qua đồn Ba Vàm, đoàn phát loa kêu gọi, lính trong đồn im re, không cản trở lực lượng hành quân. Đến sáng ngày 20-5, sau khi qua lộ Cái Sắn, ba đại đội thuộc tiểu đoàn đã chiếm lĩnh trận địa tại các kinh Đ, E, F. Khi đại đội 23 vô kinh Đ, "đụng" ngay trung đội địa phương quân ngụy, tên trung sĩ trung đội trưởng đưa tay đầu hàng. Cả trung đội địch bị "bắt sống" và bị tước hết vũ khí. Ta giáo dục, và thả hết trung đội địch
Đại đội 28 qua kinh F tiếp tục hành quân về kinh Đòn Dông. Khi trung đội dân vệ đồn Thạnh An tiến vào kinh E, trận đánh diễn ra. Dưới công sự, anh em đại đội 20 bắn tỉa từng tên địch một. Một đại đội ngụy quân chi viện từ Thốt Nốt không dám "vô" sâu trận địa. Tuy nhiên, tối cùng ngày, địch đưa lực lượng bộ binh và hàng chục xe lội nước hàn kín lộ Cái Sắn. Anh em dân công khiêng hai liệt sĩ, mười bảy thương binh, cùng chiến sĩ địa phương quân Thốt Nốt và bộ đội Tây Đô hành quân trở về
Khoảng năm giờ sáng ngày 21-5, hai đại đội 20 và 23 đã tới, đóng quân hai bên bờ kinh Zê-rô. Trong khoảnh khắc chiến trường ngưng tiếng súng, dù mệt mỏi, kiệt sức, mọi sinh hoạt vẫn nhịp nhàng - tốp lo đào công sự, tốp chăm sóc thương binh
Lối hơn mười giờ sáng, có lệnh "tất cả về công sự, xe lội nước vô, chuẩn bị chiến đấu!". Lúc này, Sáu Hổ đang ở chơi với anh em chi bộ xã Thạnh An dưới công sự bên bờ kinh có đại đội 23 (C23) đóng quân, vội vã quay về đại đội 20 (C20) ở bên kia bờ kinh Zê-rô. Vừa xuống công sự xong, Sáu Hổ đã nghe tiếng súng nổ liên hồi
Xe lội nước, bộ binh địch từ kinh Đòn Dông tiến vô, đánh tới tấp vào C23 ngay từ điểm tiếp giáp giữa kinh Đòn Dông và kinh Zê-rô, dọc dài theo kinh Zê-rô, địa hình khoảng một hai trăm thước
Địch tấn công từng đợt. Khoảng hơn hai giờ chiều, trực thăng quần đảo, phóng pháo, rồi tiếp tục đổ quân
Tuy ở vào "thế yếu", anh em mình vẫn ngoan cường chiến đấu. Hơn bốn giờ chiều, một xe lội nước bị bắn cháy. Chiến công này thuộc về anh Bùi Văn Quắn (Năm Quắn), Trung đội phó trung đội 2 của C23. Địch lại bổ sung quân, tràn vô theo thế gọng kềm
Năm Quắn bị trúng thương, gãy tay, khẩu phóng lựu trên tay anh bị diệt! Trong tình huống bị bao vây, Huỳnh Văn Tèo, cũng là Trung đội phó trung đội 2 của C23, dũng cảm đánh lên
và bị trúng đạn đại liên giặc, hy sinh trước đầu xe lội nước, tư thế vẫn tiến công!
Năm mươi hai chiến sĩ hy sinh trong trận đánh đầy bi tráng ấy! Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô đã tiêu diệt và làm bị thương hơn sáu trăm bảy mươi tên địch; bắn cháy năm xe lội nước; bắn rơi bảy máy bay
* * *
Cũng như nhiều liệt sĩ, anh hùng có-tên hoặc chưa-được-biết-tên khác, liệt sĩ Huỳnh Văn Tám (tự Tèo) không để lại bất kỳ bức ảnh chân dung nào. Ký ức về anh, theo lời anh Lê Trọng Nghĩa, Phó Ban liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô: "Anh Tèo có biệt tài tay không bắt lịch dưới sông, dù nước lớn
". Anh Năm Trác, Trưởng tiểu ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô huyện Vĩnh Thạnh, nhớ lại trận Ông Hào: "Lúc đó tui ở cách Tám Tèo một sãi tay. Thấy máy bay sà thấp lần đầu, anh em canh nó lại sà xuống thì hè nhau bắn, và Tám Tèo đã bắn trúng
". Anh Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Đô, "phác họa" thêm một nét chân dung người liệt sĩ: "Tám Tèo gốc du kích xã Lương Tâm, sau bổ sung lên Tiểu đoàn Tây Đô, làm vệ sĩ tiểu đoàn trưởng Bùi Quang Đơ lúc bấy giờ
Trận Ông Hào, phải nói rất ác liệt! Khi Mỹ ném bom sập nhà thờ công giáo Ông Hào, Tám Tèo đã dùng cây "tự động" Mỹ bắn rơi máy bay B57. Nhờ vậy địch không dám hung hãn nữa!". Còn anh Năm Quắn thì "Đã biết Tám Tèo từ khi anh làm bảo vệ tiểu đoàn trưởng Tư Đơ. Sau trận Ông Hào, Tám Tèo ra bộ binh, là Trung đội phó trung đội 2 thuộc C23, cho đến lúc hy sinh trong trận Cái Sắn, đánh với Sư đoàn 9 ngụy
"!
Trên đường đưa tôi đi viếng mộ bốn mươi sáu liệt sĩ Tiểu đoàn Tây Đô còn "nằm tạm" bên Nghĩa trang liệt sĩ Tân Hiệp, anh Sáu Hổ dừng xe trên cầu Tân Hiệp, chỉ tay về hướng trận địa Cái Sắn năm xưa, cách lộ Cái Sắn chừng bốn trăm thước. Khi trở về, thêm một lần thắp hương tại Nhà Lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô, anh lại cho hay "Nơi đây trước là đồn dân vệ Thạnh An. Bên kia lộ là kinh E, nơi diễn ra trận đánh ngày 20-5. Hồi đó ở đây nhìn ra thông thống, không có nhà cửa san sát như bây giờ
". Rồi anh "khoe", từ hồi khánh thành (gần cuối tháng 11 năm ngoái) tới nay, Nhà lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô đã tiếp nhiều đoàn tham quan, tổng số năm sáu trăm người, đông nhất là học sinh. Khi các đoàn đến, anh là người thuyết minh về trận đánh. Ngoài đi theo đoàn, học sinh quanh đây cũng thường tới chơi Nhà lưu niệm. Cũng như chính quyền địa phương, anh rất mừng khi Nhà lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô được xây dựng tại đây, cho các thế hệ nối tiếp được học hỏi, hiểu biết thêm về truyền thống yêu nước và giữ nước!
Vâng, tôi cũng thuộc thế hệ sau, và đã hiểu: Xưa, các anh không chỉ hành quân và chiến đấu. Mà còn hành-quân-vào-lòng-người để giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ dân, quân về chính nghĩa cách mạng. Và, đường-hành-quân nào cũng đầy gian khổ, hy sinh! Nay, dọc ngang quê mình nhiều con đường mới được mở ra. Tôi có thể, bằng nhiều phương tiện - xe honda, xe buýt, xe đò, taxi, du lịch - để đi đến một nơi nào đó. Trên xe, được say sưa, thỏa thích ngắm nhìn những đổi thay kỳ diệu của quê hương; thậm chí được thảnh thơi giặm lại chút má hồng, tô thêm chút son môi
Vậy mà, rất nhiều lúc, tôi đã quên - ở đâu đó những hài cốt còn sót lại của những người ngã xuống cho đất nước mình đứng lên, dân tộc mình vui hưởng cảnh thanh bình, độc lập!
Có lẽ, cũng không ít người - không dưới một lần vô cảm giống như tôi!