19/07/2024 - 15:41

Thêm dấu ấn mới của văn chương Cần Thơ 

Hôm nay, Hội Nhà văn TP Cần Thơ tổ chức buổi ra mắt sách tập thể lần thứ 4 với 35 tác phẩm, gồm đủ các thể loại. Thêm một dấu ấn đẹp của văn chương Cần Thơ.

Một số tác phẩm mới ra mắt của hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ. 

Nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, cho biết: Ðây là lần thứ 4 Hội Nhà văn thành phố ra mắt sách tập thể. Lần thứ I vào ngày 10-10-2020 với 21 tác phẩm, lần thứ II ngày 19-9-2022 với 33 tác phẩm, lần thứ III ngày 8-9-2023 với 24 tác phẩm và lần này lên đến 35 tác phẩm của 24 hội viên. Các ấn phẩm gồm: 10 tập thơ, 9 truyện ngắn, 6 tập ký, du ký, 4 lý luận phê bình, 4 biên khảo, 1 hồi ký và 1 tác phẩm in chung.

Ðiểm đặc biệt trong lần ra mắt sách tập thể lần này là sự xuất hiện của thể loại mới du ký với 3 ấn phẩm của tác giả Ðặng Hoàng Thám là “Du hành khám phá đất phương Nam” tập 1 và 2, “Du hành khám phá miền Trung”. Qua sự trải nghiệm và nghiên cứu, tác giả đã giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của từng vùng đất, con người nơi tác giả đặt chân đến.

Nhà phê bình văn học Lê Xuân sau nhiều tác phẩm lý luận văn học giá trị thì nay “đổi gió” với tập bút ký “Tiếng vọng ký ức”. 26 bài viết về chủ đề quê hương, gia đình, xã hội, người tốt việc tốt như làn gió mát làm dịu nhẹ tâm hồn giữa những tất bật của cuộc sống.

Truyện ngắn là thể loại khá nổi bật tại lần ra mắt sách này với 9 tác phẩm. Nhà văn Nhật Hồng với “Bức tranh không màu” và “Nắng có phôi phai” là những truyện ngắn cô đọng, hấp dẫn về tình đời, tình người qua lăng kính văn học. Nhà văn Dũng Trần với tập truyện ngắn “Chuyện tình Thi Ða” mang đến những câu chuyện rất đời, gần gũi, từ một vụ va quẹt xe máy, hay là một chuyến xe taxi chở khách đi xa, là chuyện hiến đất làm đường giao thông… với những thông điệp ý nghĩa. Nhà văn Cao Thanh Mai với “Ngày ấy chưa xa” phác họa bức chân dung đầy màu sắc, phức hợp và tinh tế về đời sống con người thời hậu chiến.

Mảng biên khảo, người đọc sẽ gặp lại cây bút biên khảo Ðoàn Nô qua quyển “Ði tìm lời giải đạo Phật giáo Hòa Hảo” và quyển “Lịch sử và Văn hóa dân gian Thốt Nốt”. Nhà thơ Huỳnh Duy Lộc cũng thử sức ở lĩnh vực này với “Cảm nhận về văn hóa đồng bào Khmer Tây Nam Bộ”. Cùng chọn chủ đề văn hóa Khmer Nam Bộ, nhà văn Thạch Sene với tác phẩm “Chùa và phong tục tập quán của người khmer Nam Bộ” mang tính học thuật, tư liệu cao, giúp ích cho người nghiên cứu, tìm hiểu về đề tài này.

Thơ vẫn luôn có sức hút với các cây bút đất Tây Ðô. “Sợi yêu” là tập thơ riêng thứ 8 của nhà thơ Huệ Thi và là tập thứ 12 cả in chung của chị. Dù đa tài, có duyên với nhiều lĩnh vực nhưng với nhà thơ Huệ Thi, thơ vẫn có một vị trí đặc biệt. Chị nói: “Thơ là tình yêu đầu, là đam mê, thơ đã là một phần máu thịt và thôi thúc trong tâm hồn, tình yêu của tôi”. Có thể kể thêm nhà thơ Nguyễn Thị Thu Hà với tác phẩm đầu tay “Bởi vì chúng ta đều cần niềm đau để lớn”; nhà thơ Mạc Tố Hồng với “Giấu nhau vào cổ tích”; nhà thơ Nguyễn An Bình với “Dấu trăng xưa”…

Cũng không quên nhắc đến các tác giả trẻ với sức viết đáng nể phục. Nhà văn Hoàng Khánh Duy với các tác phẩm: ký “Việt Nam qua cửa sổ con tàu” và các quyển lý luận phê bình văn học “Chiến tranh biên giới Tây Nam dưới góc nhìn phê bình phân tâm học”, “Thanh âm hào hùng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam trong văn chương”, “Lật những mảnh ghép văn chương” cho thấy sự trưởng thành trong văn nghiệp của anh. Một nhà thơ trẻ khác là Phan Duy với tác phẩm “Qua ngang miền nhớ” cũng tạo được ấn tượng với độc giả...

Và còn nhiều tác phẩm văn chương mới sẽ được ra mắt dịp này. Ðiều đó cho thấy sức sống văn chương Tây Ðô với những nhà văn, nhà thơ miệt mài lao động nghệ thuật.

Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết