10/04/2025 - 09:50

Thay đổi tư duy, tạo động lực mới phát triển kinh tế tư nhân 

Tháng 3-2025, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy, xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực này. Tổng Bí thư khẳng định kinh tế tư nhân chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ðây cũng là nội dung trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân”.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Đinh Gia Foods.

Chưa phát huy hết vai trò

Kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 40% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước (theo số liệu năm 2023). Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp (DN) tư nhân thuộc loại hình DN vừa và nhỏ, gặp nhiều rào cản trong việc mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Ðặc biệt, Việt Nam vẫn thiếu những DN đầu tàu có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực và toàn cầu.

PGS.TS Trần Ðình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: Trong một nền kinh tế phát triển, kinh tế tư nhân, đặc biệt là DN tư nhân trong nước phải đóng góp 60-70%, thậm chí 80% vào GDP. Thời gian qua, khu vực DN tư nhân Việt Nam vẫn đang lép vế so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ðội ngũ DN tư nhân còn nhỏ, yếu, gặp nhiều khó khăn; số DN rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số DN tham gia vào thị trường.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, khu vực tư nhân gồm 3 thành phần chính: DN tư nhân, kinh tế cá thể (chủ yếu là hộ kinh doanh) và kinh tế tập thể (chủ yếu là hợp tác xã). Tuy nhiên, từ năm 2021, Cục Thống kê đã gộp chung 3 thành phần này thành khu vực kinh tế ngoài nhà nước khiến bức tranh kinh tế tư nhân trở nên thiếu rõ ràng, gây khó khăn trong việc đánh giá chính xác mức độ đóng góp của từng thành phần. “Hiện nay cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ khoảng 2,1 triệu hộ đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ, còn lại là nộp thuế khoán. Cơ chế thuế khoán nhanh và gọn, nhưng không minh bạch, dễ dẫn đến thất thu ngân sách. Do đó, bài toán đặt ra là cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ, được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi và đóng thuế đầy đủ về lâu dài” - TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Tạo đột phá

Theo các chuyên gia, thái độ và tầm nhìn của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân sẽ quyết định các chính sách và giải pháp phát triển khu vực kinh tế này. Nhà nước cần mở đường, dẫn dắt và quan trọng nhất là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để DN tư nhân phát triển. PGS.TS Trần Ðình Thiên, nhấn mạnh: “Chúng ta phải xây dựng một hệ thống thể chế mới. Ðơn cử, Luật Lao động hiện nay chủ yếu đề cập đến lao động chân tay, nhưng lần này cần bổ sung, điều chỉnh thêm để phù hợp với bối cảnh mới đó là lao động có trình độ cao. Các luật như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ… cũng cần được sửa đổi để tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho DN tư nhân phát triển. Ngoài ra, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cộng đồng DN tiên phong có thêm nhiều ý kiến đóng góp vào nghị quyết, chủ trương, chính sách phát triển của DN cả nước. Ðã đến lúc khu vực DN tư nhân phải tạo ra áp lực thay đổi chính sách, chứ không chỉ dừng lại ở việc xin - cho. Tinh thần đổi mới là phải thay đổi triệt để, chứ không chỉ dừng lại ở việc cải tiến cái cũ. Chúng ta cần có nỗ lực “thay máu” cho lực lượng DN, để DN tư nhân có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo”.

Nhiều ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Ðơn giản hóa các thủ tục hành chính là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo tính minh bạch và công khai trong quá trình thực hiện các chính sách. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo DN tư nhân được thực hiện đầy đủ 3 quyền cơ bản: “quyền tài sản”, “quyền tự do kinh doanh” trong những ngành nghề pháp luật không cấm và “quyền cạnh tranh bình đẳng”. Việt Nam cũng cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ, có thể thông qua hình thức miễn thuế thu nhập trong 3-5 năm đầu để nuôi dưỡng nguồn thu. Một số ý kiến đề xuất xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN dựa trên mức độ đóng góp thực tế cho ngân sách, việc làm và xã hội; cần phân loại DN để có chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp cho DN lớn, vừa và nhỏ, tránh áp dụng chung một khung quản lý cho tất cả. DN tư nhân cũng cần phát huy nội lực để bứt phá; thượng tôn pháp luật, nâng cao chuẩn mực và đạo đức kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết