08/12/2008 - 21:12

Thạc sĩ Dương Thị Phi Oanh, Trưởng bộ môn Anh Văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ:

Thay đổi giáo trình, phương pháp giảng dạy để cải thiện năng lực ngoại ngữ của sinh viên

 

Bên cạnh chuyên môn, ngoại ngữ và vi tính là những yêu cầu hàng đầu của các nhà tuyển dụng lao động. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp dù có năng lực chuyên môn khá giỏi nhưng đành để lỡ mất việc làm tốt hoặc cơ hội học lên cao hơn do không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ. Xung quanh vấn đề cải thiện kỹ năng và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên ngoại ngữ, phóng viên Báo Cần Thơ trao đổi với thạc sĩ Dương Thị Phi Oanh, Trưởng Bộ môn Anh văn, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT).

* Theo nhận xét của bà, với chương trình đào tạo Anh văn (dành cho sinh viên không chuyên ngành ngoại ngữ) hiện nay của Trường ĐHCT, khi ra trường sinh viên có thể sử dụng tương đối thành thạo tiếng Anh trong công việc của mình?

- Theo học chế tín chỉ, chương trình đại học gồm 138 tín chỉ; trong đó, môn ngoại ngữ (Anh văn, Pháp văn) thuộc khối kiến thức chung. Học phần Anh văn dành cho sinh viên không chuyên gồm 10 tín chỉ và chia làm 3 phần: Anh văn căn bản 1 (4 tín chỉ), Anh văn căn bản 2 (3 tín chỉ), Anh văn căn bản 3 (3 tín chỉ). Sau khi hoàn thành 10 tín chỉ của học phần Anh văn, sinh viên có trình độ tương đương với bằng A. Với trình độ này, sinh viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh về các chủ đề thông thường nhưng chưa thể sử dụng tiếng Anh trong công việc hàng ngày.

 Thông qua hoạt động sinh hoạt của Câu lạc bộ tiếng Anh, Bộ môn Anh văn, Trường ĐHCT, gúp sinh viên nâng cao hơn kỹ năng nghe - nói tiếng Anh.  Ảnh: THANH TÙNG

Trước đây, Bộ môn Anh văn, Trường ĐHCT sử dụng bộ sách “Reward” để giảng dạy sinh viên không chuyên ngành tiếng Anh. Đây là bộ sách hay nhưng kết quả thực tế lại không cao, sau khi tốt nghiệp, khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên- đặc biệt là khả năng giao tiếp- chưa tốt. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy một trong những nguyên nhân của tình trạng này là bộ sách “Reward” nặng về văn hóa phương Tây nên rất khó cho sinh viên Việt Nam học và vận dụng khi giao tiếp.

* Để khắc phục tình trạng trên, Trường ĐHCT đã cải tiến chương trình đào tạo, tài liệu, phương pháp giảng dạy đối với môn Anh văn không chuyên như thế nào, thưa bà?

- Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên không chuyên, Trường ĐHCT thực hiện đề án “Thiết kế và đánh giá chương trình Anh văn không chuyên” trong khuôn khổ nhà trường. Đề án đã thực hiện được 1 năm, nhằm xây dựng tài liệu học tiếng Anh phù hợp với trình độ của sinh viên. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo Bộ môn Anh văn biên soạn một bộ sách giúp sinh viên giao tiếp tốt hơn bằng tiếng Anh, có thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo khi nói về bản thân, cuộc sống, đất nước, và con người Việt Nam. Đồng thời, tài liệu dạy học tiếng Anh cũng sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức về văn hóa thế giới... Bộ sách mới gồm 3 quyển, với tên gọi “Learning Breakthrough”.

Dạy theo tài liệu mới, đòi hỏi giảng viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải thay đổi phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Để tạo điều kiện cho giảng viên sử dụng sách mới với phương pháp giảng dạy tích cực, tháng 9-2008, Bộ môn Anh văn đã tổ chức 2 hội thảo về phương pháp khai thác, sử dụng bộ sách mới. Một trong những điểm mới của bộ sách “Learning Breakthrough” là các bài tập yêu cầu sinh viên thực hiện đề án nhỏ, chẳng hạn như làm tờ bướm giới thiệu về nông thôn Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ tự tìm tài liệu, viết và trình bày bằng tiếng Anh trước các bạn về đề tài đã nghiên cứu. Các bài tập này giúp sinh viên phát triển khả năng sử dụng tiếng Anh lẫn khả năng tự học, tự nghiên cứu.

Bộ môn Anh văn được trường trang bị đầy đủ máy móc phục vụ giảng dạy tiếng Anh. Mới đây, Cơ quan Giáo dục Quốc tế Úc tặng Khoa Sư phạm, Trường ĐHCT “Góc học tập Úc”, gồm: 1 ti-vi plasma, 1 đầu ghi kỹ thuật số và chi phí gắn truyền hình vệ tinh, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên khai thác phương tiện truyền thông trong quá trình dạy và học. Bộ môn Anh văn đang đề nghị trường cấp thêm đầu quay, máy cassette. Với những thiết bị đã và sẽ được trang bị, sinh viên sẽ hứng thú hơn trong học tập ngoại ngữ.

* Đào tạo ngoại ngữ không chuyên cho một lượng lớn sinh viên, Bộ môn Anh văn có gặp khó về đội ngũ không, thưa bà?

- Vấn đề mà chúng tôi băn khoăn nhất là đội ngũ giảng viên bởi số lượng giảng viên cơ hữu của bộ môn hiện nay chưa đáp ứng kịp qui mô đào tạo. Bộ môn Anh văn có khoảng 60 giảng viên nhưng phải giảng dạy cho cả sinh viên chuyên ngành và không chuyên, chưa kể sinh viên không chính qui... Bộ môn đã hợp đồng thêm một số giảng viên bên ngoài để giảng dạy. Ban Chủ nhiệm tuyển chọn giáo viên rất kỹ để hợp đồng. Ngoài xét tuyển hồ sơ (học vị, bằng cấp, chứng chỉ sư phạm, kinh nghiệm giảng dạy...), Ban Chủ nhiệm còn phỏng vấn các ứng viên và các ứng viên phải trình bày giáo án bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, do số lượng giảng viên hợp đồng quá đông, Bộ môn khó kiểm soát trong suốt quá trình giảng dạy, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Để khắc phục vấn đề này, Bộ môn lấy ý kiến sinh viên về tài liệu giảng dạy, hoạt động học tập và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Dựa trên phản ánh của sinh viên, Bộ môn sẽ theo dõi để đánh giá chính xác hiệu quả giảng dạy, từ đó quyết định việc ký kết hợp đồng đối với giảng viên.

Để nâng cao khả năng ngoại ngữ của sinh viên, bên cạnh những nỗ lực của nhà trường, cũng cần phải thấy rằng sinh viên phải cố gắng tự học, tự rèn nhiều hơn nữa. Sinh viên phải nhận thức được rằng, thị trường lao động đòi hỏi ngày càng cao và ngoại ngữ là công cụ hỗ trợ để các em tự tin khi xin việc cũng như khi làm việc hay học tập lên cao hơn.

* Xin cảm ơn bà!

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết