07/11/2016 - 20:45

Thay đổi để phù hợp cách thi mới

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, ngoại trừ môn Ngữ văn, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Bên cạnh việc thay đổi phương pháp giảng dạy, giáo viên các trường THPT ở TP Cần Thơ quan tâm xây dựng hệ thống câu hỏi, bài kiểm tra, thi theo hướng trắc nghiệm, giúp thí sinh làm quen để có kinh nghiệm khi bước vào kỳ thi chính thức.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, thí sinh thi 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (gồm tổ hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân - GDCD). Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng bài thi Ngữ văn thi với hình thức tự luận. Em Trần Hữu Hiếu, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ), nói: "Năm nay, em chọn bài thi khoa học xã hội gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý và GDCD. Các môn này kiến thức liên quan chặt chẽ, chỉ cần sắp xếp thời gian ôn tập để thi tốt. Hình thức thi trắc nghiệm khá hay, chỉ cần đọc trên đáp án có thể nhớ được để khoanh câu đúng".

Giờ học môn Toán của học sinh Trường THPT Trung An.

Để thích ứng với cách thi mới, các trường khuyến khích giáo viên chuyển đổi để có phương pháp giảng dạy phù hợp với các môn thay đổi cách thi như: Toán, Lịch sử, Địa lý và GDCD. Năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ cũng tổ chức thi giữa kỳ, cuối kỳ và thi thử THPT quốc gia theo cấu trúc đề thi minh họa. Trước đây, học sinh quen hình thức thi tự luận, việc chuyển sang thi trắc nghiệm, làm các trường gặp không ít khó khăn, nhất là ở vùng ven. Em Võ Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12A2, Trường THCS và THPT Trường Xuân, huyện Thới Lai, chia sẻ: "Với phương án thi mới, chúng em sẽ gặp không ít khó khăn nhưng phải cố gắng. Ngoài việc thay đổi phương pháp tiếp cận bài học, thầy cô sử dụng phương thức trắc nghiệm trong kiểm tra, giúp chúng em quen dần với hình thức thi mới".

Sự thay đổi hình thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm đối với môn Toán thu hút sự quan tâm của giáo viên và học sinh. Đối với hình thức trắc nghiệm, giáo viên phải rải đều kiến thức, giúp học sinh tìm cách giải nhanh. Cô Trần Thị Kim Linh, giáo viên dạy Toán Trường THPT Trung An, cho biết: Để các em làm quen, bám sát hình thức thi mới, giáo viên cho bài tập trắc nghiệm để học sinh làm thử. Đồng thời tham khảo thêm thông tin trên mạng internet, trao đổi với đồng nghiệp tích lũy kinh nghiệm để có phương pháp dạy tốt, giúp các em nắm vững kiến thức. Các thành viên trong tổ chuyên môn trao đổi thống nhất phương án đối với dạng bài thi trắc nghiệm".

Bên cạnh một số môn điều chỉnh thi theo hình thức trắc nghiệm, lần đầu môn GDCD "hiện diện" ở kỳ thi này. Từ trước đến nay, GDCD được biết đến như môn phụ, ít được quan tâm. Theo nhiều giáo viên, chương trình GDCD lớp 12 chủ yếu là các điều luật nên rất thực tế, gần gũi, cung cấp kiến thức pháp luật khá hữu ích. Môn GDCD được đưa vào tổ hợp bài thi, học sinh sẽ chú trọng hơn đến môn học này. Tuy nhiên, lần đầu thi môn GDCD, lại thi theo hình thức trắc nghiệm khá mới lạ khiến học sinh bỡ ngỡ, giáo viên khá áp lực. Theo cô Trần Thị Loan Hương, giáo viên GDCD, trường THPT Trung An: "Môn học này tài liệu ít nên giảng dạy khá khó khăn và mỗi tuần có 1 tiết học. Quá trình giảng dạy, chúng tôi khắc sâu và cập nhật kiến thức pháp luật mới, đồng thời đưa ra bài tập tình huống sát với thực tế để học sinh nắm bắt. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn GDCD, học sinh không chỉ học thuộc lòng mà còn phải hiểu và vận dụng thực tế". Em Trần Hữu Hiếu cho rằng: "GDCD không chỉ là môn học đơn thuần mà còn giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Theo em, chỉ cần học kỹ kiến thức sách giáo khoa kết hợp nghe giảng, liên hệ thực tế, sẽ không lo ngại bài thi khoa học xã hội".

Ở môn Địa lý, thi tự luận, học sinh diễn đạt theo hiểu biết là có điểm còn với phương án trắc nghiệm, đòi hỏi học sinh phải chọn câu trả lời chính xác. Với hình thức thi trắc nghiệm, kiến thức rộng, giáo viên phải đưa tất cả kiến thức vào bài giảng cộng với liên hệ thực tế trong khi thời gian học trên lớp bị khống chế. Theo kế hoạch, Trường THPT Trung An sẽ tăng tiết học môn Địa lý, đảm bảo đủ kiến thức đáp ứng yêu cầu kỳ thi. Thầy Nguyễn Văn Mớm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Đối với bài thi khoa học xã hội, nhà trường thực hiện nghiêm túc công văn chỉ đạo của ngành, tổ trưởng bộ môn xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Trước mắt, đối với các môn Lịch sử, Địa lý và GDCD, chúng tôi chỉ đạo giáo viên trang bị đầy đủ kiến thức, xây dựng đề kiểm tra trên lớp giống với mẫu đề minh họa". Do môn Lịch sử khá khô khan, có nhiều sự kiện, rất dễ nhầm lẫn nên giáo viên Trường THCS và THPT Trường Xuân có kế hoạch dài hơi, giúp học sinh học và làm tốt môn thi này. Thầy Đặng Hoàng Sang, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS và THPT Trường Xuân, nói: "Với môn học này, ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chúng tôi còn có kế hoạch ôn tập theo chủ đề, sử dụng sơ đồ tư duy….".

Thầy Nguyễn Phúc Tăng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết: "Thành phố đang tổ chức các lớp tập huấn giáo viên dạy các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý và GDCD, trong việc biên soạn câu hỏi trắc nghiệm theo hướng phát huy năng lực của học sinh. Qua đó giáo viên nắm vững yêu cầu cũng như kỹ thuật về xây dựng câu hỏi trắc nghiệm, từng bước hình thành hệ thống ngân hàng đề thi trắc nghiệm, giúp học sinh ôn tập đạt kết quả, làm bài thi đạt yêu cầu".

Bài, ảnh: M.Hoàng

Chia sẻ bài viết