Trần Kiều Quang
Thất Phủ miếu (ảnh) hay Thất Phủ hội quán, còn được gọi là Vĩnh An cung, tọa lạc tại số 24, đường Nguyễn Chí Thanh, phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi miếu này được xây dựng và đã tồn tại hàng trăm năm qua, không chỉ là nơi gặp gỡ sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa ở Vĩnh Long, mà còn là nơi bà con người Việt thường xuyên viếng thăm, cúng bái. Cho nên người dân nơi đây vẫn quen gọi ngôi miếu này một cách thân quen: chùa Ông.
Chùa Ông - Thất Phủ miếu có từ thời nhà Nguyễn. Thất Phủ miếu tức là ngôi miếu do cộng đồng người Hoa ở bảy phủ cùng xây dựng, đó là: “Ninh Ba, Phước Châu, Chương Châu, Truyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu và Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) của các tỉnh như Trực Lệ, Phước Kiến và Quảng Đông. Vào đời Thanh có rất nhiều người Hoa ở các địa phương vừa kể sang nước ta lập nghiệp nên nhà Nguyễn cho phép họ lập hội Thất Phủ, tương tự như hội Hoa kiều ngày nay”(1). Lúc bấy giờ ở Vĩnh Long phố xá tấp nập, hàng hóa chất đầy thuyền ngược xuôi mua bán, là nơi phồn hoa đô hội, vì vậy nơi đây có đặt hội quán làm nơi giao tiếp trong cộng đồng. Thất Phủ miếu được xây dựng từ năm 1892 đến 1909.
Miếu Thất Phủ làm theo kiểu nội công ngoại quốc. Phía sau là chính điện, phía trước là tiền đường, hai bên là đông sương và tây sương. Diện tích xây dựng khoảng 800m, xung quanh được bao kín bởi những vách gạch kiên cố. Để một khoảng diện tích to rộng như thế có đầy đủ ánh sáng, các công trình sư đã cho chừa những sân trống. Tuy các khu vực chính nằm xa nhau nhưng có thể thông hành qua lại nhờ các nhà nối gọi là hà cầu (hà kiều), tức xem những sân trống đó là ao sen và những nhà nối ấy là những cây cầu bắc qua ao sen.
Mái của Thất Phủ miếu được lợp ngói âm dương, phong tô kỹ lưỡng. Chân mái ngói được viền một loại ngói đặc biệt có tráng men màu xanh. Đứng trước sân nhìn vào, nét đặc biệt nhất là mái ngói cong vút và tầng mái gian giữa cao hơn tầng mái của hai gian bên. Miếu được xây dựng theo kiểu cung đình, có năm cửa cái. Hai bên có hai cửa sổ, trên các cánh cửa cái đều có vẽ hình các vị thần giữ cửa. Hai ô cửa tượng trưng mặt trời, mặt trăng; có nhiều hình tượng cố sự.
Bộ giàn trò Thất Phủ miếu bằng gỗ quý, mỹ thuật và kiên cố. Tất cả các bộ phận chịu lực trong ngôi miếu như vì, xuyên, trích, các con kê hoặc con đội đều chạm hình voi, sư, lân, chậu hoa, chùm trái… Thỉnh thoảng một vài nơi giữa những bộ phận chạm trổ tinh tế ấy cũng có những khoảng trống, là chỗ để các họa sĩ đặt lên những bức tranh nhân vật cố sự. Do đó, khu vực này tuy cầu kỳ nhưng không nhàm chán(2).
Bên trong Thất Phủ miếu được bố trí nhiều trang thờ lộng lẫy và trang nghiêm. Gian chính điện được đặt trong cùng, sát vách, gồm có ba khánh thờ Quan Thánh Đế Quân, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phúc Đức Chính Thần. Ở mỗi khánh thờ ngoài nhân vật được thờ chính còn có các vị thần được phối thờ. Gian trung điện là nơi thờ các vị: Phật Bà Quan Âm, Thích Ca, Di Đà, Di Lặc, Hộ Pháp Long Thần... Gian tiền điện có bàn thờ của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Hai bên vách của ngôi miếu có đắp nổi hình rồng và cọp theo thuyền thống là tả thanh long, hữu bạch hổ. “Các tượng thờ trong nội điện đa số bằng gỗ, có một số bằng đồng, sứ. Mặc dù bằng chất liệu gì cũng tạo hình chân phương và sinh động, mô tả được cái nội tâm của nhân vật ấy. […] Nội cung Vĩnh An cung trang trí tuyệt đẹp. Có thể nói không đâu có đến mấy chục bộ bao lam, câu đối, hoành phi chạm lộng tinh tế, sơn son thếp vàng chói lọi, nét chữ rất đẹp. Một bức hoành khắc bốn chữ “Quan Thánh Phu Tử” được đem đi triển lãm ở Hội chợ các nước thuộc địa tại Marseille (Pháp) năm 1922, được huy chương đồng”(3).
Thất Phủ miếu còn thể hiện việc tiếp biến văn hóa Hoa - Việt trong nghệ thuật kiến trúc. “Biểu hiện rõ nhất của quá trình tiếp biến văn hóa Việt - Hoa nằm ở việc sử dụng các mô-típ mang tính biểu tượng. Một trong những mô-típ quan trọng là mô-típ tứ linh. Mô-típ tứ linh là một trong những mô-típ có tính biểu tượng mà người Việt tiếp thu và sáng tạo qua quá trình giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Tâm thức của người Việt luôn quan niệm mình là “Con rồng cháu tiên”, cộng thêm mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt trong thực tiễn hoạt động của nền nông nghiệp, đã tôn biểu tượng rồng lên đứng đầu tứ linh. Trong văn hóa Trung Hoa, rồng tượng trưng cho bậc quân vương nên khi rồng được chạm trổ trong miếu tăng uy quyền của Thành Hoàng làng. Ngoài rồng, lân là linh vật tượng trưng ước vọng hòa bình, quy tượng trưng cho sự trường thọ, phụng biểu tượng cho hạnh phúc, sang giàu. Những ngôi đình do triều Nguyễn xây dựng từ thế kỉ XVI nói chung, Miếu Thất phủ nói riêng, thường sử dụng mô-típ tứ linh. Nhưng tứ linh ít khi đứng chung với nhau, mà thường xuất hiện cặp đôi như rồng - phượng; hoặc lân - quy. Trong tứ linh có bổ sung bốn con vật để thành mô-típ bát vật. Đó là ngư - phúc - hạc - hổ. Ngư gắn với truyền thuyết cá hóa rồng biểu tượng cho sự thành đạt, hanh thông; phúc biểu tượng cho phúc đức; hạc biểu tượng cho sự cao khiết và trường thọ; hổ là chúa sơn lâm, biểu tượng cho sức mạnh có thể trấn áp tà. Ngoài mô-típ tứ linh, bát vật, còn có mô-típ tứ quý. Trong tứ quý có bốn loài cây: mai biểu tượng cho sự hồn nhiên; lan biểu tượng cho sự tinh khiết; cúc biểu tượng cho sự thanh nhàn mà sang trọng; trúc thể hiện tính cách cứng rắn của người quân tử. Đồng thời tứ quý còn mang ý nghĩa bốn mùa trong năm. Ngoài ra, các mô-típ trang trí cặp đôi như: rồng phượng, lưỡng long chầu nguyệt, phượng hàm thư, tiên - rồng đều giàu tính biểu tượng, thể hiện ước vọng về sự cao sang, hạnh phúc, trường thọ, phúc lộc dồi dào”(4).
Thất Phủ miếu có nhiều ngày cúng trong năm, ngoài việc cúng đầu năm, cuối năm, ở đây còn có các ngày vía Bà Thiên Hậu, vía Phước Đức Chính Thần và đặc biệt là ngày vía Quan Thánh Đế Quân diễn ra vào ngày 13 tháng giêng và 13 tháng 5 được tổ chức rất long trọng.
Với những giá trị nghệ thuật kiến trúc còn bảo lưu, những ngày cúng tế được duy trì hàng trăm năm qua, Thất Phủ miếu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 152 QĐ/BT ngày 25-1-1994 công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.l
----------------
(1) Ban tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.250.
(2) Ban tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, Sđd, tr.250-251.
(3) Ban tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, Sđd, tr.250-252.
(4) Lê Hoàng Nam - Nguyễn Hùng Dũng (2017), “Nghệ thuật kiến trúc miếu Thất Phủ tỉnh Vĩnh Long”, Tạp chí Khoa học số 24, Trường Đại học Đồng Tháp, tr.62-63.