19/02/2016 - 09:00

Phiên họp thứ 45 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII:

Thảo luận về dự án Luật Báo chí và dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi

 Đồng ý bổ sung 159 Kiểm sát viên cao cấp

(TTXVN)- Sáng 18-2, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi) và dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Vấn đề xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này là nội dung được nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho biết, qua quá trình thảo luận về dự thảo Luật này có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại Luật này nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật. Hiện hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP.

Với lý do, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài, mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. Do vậy, dự thảo Luật không điều chỉnh hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội, mà tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh.

Nói rõ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, truyền thông xã hội phát triển mạnh nhưng dự thảo Luật không điều chỉnh các hình thức thông tin mạng vì đã được quy định chặt chẽ trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Hơn nữa, Bộ trưởng lưu ý, "nếu đưa các loại hình này vào Luật thì vô hình trung thừa nhận đó là loại hình báo chí. Có thể sau này sẽ nâng Nghị định 72 thành Luật để điều chỉnh các hoạt động thông tin mạng".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong Hiến pháp 2013 đã nêu rất rõ về quyền con người, quyền công dân. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Chủ tịch Quốc hội nêu một thực tế người dân hiện sử dụng nhiều thông tin trên mạng nên cần nghiên cứu, tính toán để có những quy định điều chỉnh trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội tại luật này, không điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.

Các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc đổi tên Luật hiện hành thành "Luật Trẻ em". Việc đổi tên sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tán thành với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1). Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nên việc điều chỉnh này là thích hợp và cũng phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định "Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn". Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. Như vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ (chưa thành niên) với người trưởng thành đầy đủ (thành niên).

 Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 18-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đề nghị giao chỉ tiêu Kiểm sát viên cao cấp để thực hiện Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.

Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, hiện nay tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành kiểm sát nhân dân là 182 người (157 người của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; 25 người của Viện kiểm sát quân sự Trung ương). Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong khi chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt tổng thể nhu cầu biên chế, cơ cấu ngạch công chức của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 272 kiểm sát viên cao cấp để tăng thêm cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao 31 người; Viện kiểm sát quân sự 15 người, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 161 người và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh 65 người. Tổng số kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát nhân dân cần có là 454 người.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết nhất trí bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp cho ngành Kiểm sát nhân dân, theo đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được đồng ý bổ sung 16 chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp; Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao được bổ sung 63 chỉ tiêu; 61 tỉnh, thành phố được đồng ý 1 chỉ tiêu/1 tỉnh, thành phố, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được đồng ý 2 chỉ tiêu; Viện Kiểm sát quân sự được bổ sung 15 chỉ tiêu. Như vậy, ngành Kiểm sát nhân dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung 159 kiểm sát viên cao cấp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là chỉ tiêu tạm giao ở mức tối thiểu để ngành Kiểm sát nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc bổ sung chỉ tiêu kiểm sát viên cao cấp như vậy là quá chậm, bởi bộ máy tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã được thành lập theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.

Chia sẻ bài viết