* Cần tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra
Sáng 14-6, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Nghị quyết 66 được ban hành đã đáp ứng những thay đổi của nền kinh tế, đồng bộ hóa với các luật mới được ban hành, ngoài ra còn bổ sung thêm một số quy định cần thiết.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có 1 trong 5 tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng: Quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6-2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh hoặc có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Đối với quy mô tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỉ đồng trở lên (theo thời giá tháng 6 năm 2010) đối với dự án, công trình có sử dụng từ 30% vốn Nhà nước trở lên trên tổng vốn đầu tư dự án, công trình, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng tiêu chí về quy mô vốn của dự án, công trình thuộc diện phải trình Quốc hội xem xét nên tính theo tỷ lệ % so với GDP hoặc ngân sách để đỡ phải điều chỉnh khi trượt giá. Khi cần bổ sung vốn cũng nên tính theo tỷ lệ % tăng thêm so với số đã duyệt. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên) có quan điểm tương tự và đề xuất “Nên tính theo % ngân sách nhà nước. Công trình có quy mô vốn khoảng 2% GDP, trong đó phần vốn của nhà nước chiếm khoảng 2% ngân sách thì phải trình Quốc hội”.
Đối với dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài, các ý kiến thảo luận đều đề nghị hết sức thận trọng trong việc quyết định đầu tư ra nước ngoài bởi tiềm ẩm những nguy cơ rủi ro. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nêu lý do: Nếu Nhà nước đầu tư ra nước ngoài thì phải chịu trách nhiệm đến cùng nên không thể nới lỏng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì cho rằng không nên đầu tư ra nước ngoài bởi ngoài lý do tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro, còn một số lý do khác như hiện kinh tế đất nước ta còn nhiều khó khăn, nhiều công trình trong nước rất cần phải đầu tư, nếu đầu tư ra nước ngoài thì các công trình dự án trong nước sẽ bị thua thiệt.
Về phát sinh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án phải báo cáo Quốc hội (khoản 4, điều 6), Dự thảo Nghị quyết quy định: “... Khi có phát sinh tăng vốn đầu tư trên hai mươi phần trăm, kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định”. Nhiều ý kiến đồng ý bổ sung quy định cụ thể, rõ hơn tại khoản 4, điều 6 trường hợp dự án, công trình kéo dài thời gian từ một năm trở lên phải báo cáo Quốc hội vì thực tế hiện nay, một số dự án, công trình đầu tư quan trọng quốc gia đã và đang kéo dài tiến độ thực hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc bổ sung quy định này sẽ là cơ sở để các cơ quan của Quốc hội giám sát tiến độ thực hiện dự án đầu tư và nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc triển khai thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia. Đối với việc phát sinh tăng vốn đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng tỷ lệ trên hai mươi phần trăm mới trình Quốc hội là không phù hợp vì mức tăng vốn đến hai mươi phần trăm mà không phải trình Quốc hội là quá lớn đối với các dự án lớn, đề nghị giữ như quy định hiện hành về phát sinh tăng vốn đầu tư trên mười phần trăm phải trình Quốc hội.
Đối với việc thẩm tra dự án, công trình quan trọng quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp thẩm tra để báo cáo xác thực và bao quát hết vấn đề. Nhiều đại biểu đề xuất nên đưa đất trồng lúa vào đối tượng áp dụng của Nghị quyết. Đối với dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định tiêu chí xác định địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh.
* Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, chiều 14-6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Các đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác đều nhận định cần xác định lại địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra (TT). Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng nếu quy định Thanh tra Chính phủ (TTCP) là cơ quan của Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật (khoản 1 điều 13) thì TTCP chưa đủ thẩm quyền một cách độc lập và chủ động để xử lý theo yêu cầu của pháp luật. Tương tự, TT Bộ, TT tỉnh, TT huyện cũng sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan cùng cấp, làm cho tính độc lập, tự chịu trách nhiệm của cơ quan TT rất hạn chế. Nhiều vụ việc lúc TT rất phức tạp nhưng kết luận lại rất nhẹ nhàng, đơn giản, đây là nguyên nhân dẫn tới việc đơn thư khiếu kiện của công dân kéo dài không có hồi kết, đùn đẩy lẫn nhau.
Các đại biểu nhấn mạnh đến việc nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra. Những sửa đổi, bổ sung như của dự thảo Luật là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.
Các đại biểu đề nghị nghiên cứu để phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; tổ chức lại hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực; xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; quy định về ngạch thanh tra viên; trình tự thủ tục trong hoạt động thanh tra...
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), chánh TT Bộ không thể điều hành về mặt chuyên môn của TT Tổng cục và TT Cục. Thực tế TT Bộ không đủ số lượng TT viên để tiến hành ngay TTHC theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng và cũng không có chuyên môn kỹ thuật sâu để TTCN. Vì vậy tổ chức TTCN nên giao cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành và lĩnh vực đó thực hiện, để Chính phủ quy định một số cơ quan cần thiết phải có TTCN. Như vậy, sẽ gắn được quản lý nhà nước theo ngành và lĩnh vực, cán bộ chuyên môn của ngành sẽ sâu hơn cán bộ TT, lại hạn chế được việc tăng biên chế và kinh phí trong hoạt động thanh tra, cơ quan chuyên ngành sẽ giúp khép kín được các khâu phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm...
Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa nhận thức đúng về TTND. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) khẳng định: TTND là hệ giám sát xã hội, không thể theo phương pháp quyền uy phục tùng. Do đó, nên nghiên cứu, nâng pháp lệnh quy chế dân chủ cơ sở thành luật, trong đó có quy định về TTND.
Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình với việc ban hành Luật thanh tra mới thay thế Luật thanh tra 2004, đồng thời lại tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật 2004. Theo đại biểu, việc làm chững lại hoặc đình hoãn hoạt động của TTND, là điều không hợp lý. Hơn nữa, lại đề nghị TTND cứ hoạt động theo Luật TT cũ, điều đó càng bất hợp lý hơn vì nếu dự thảo Luật TT lần này được thông qua thì không còn Luật cũ nữa. Đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét thận trọng vấn đề này theo hai cách hoặc vẫn đưa Luật TTND vào Luật TT sửa đổi lần này, để TTND có cơ sở pháp lý hoạt động mà không bị đình hoãn, ảnh hưởng không tốt. Mặt khác, Chính phủ và MTTQVN cần phối hợp sơ kết hoạt động của TTND, bổ sung, sửa đổi một số điều chưa phù hợp. Nếu không đưa hoạt động của TTND vào Luật này thì cần phải có sự chuẩn bị một luật riêng hoặc văn bản dưới Luật về TTND, giám sát ND và ban hành đồng thời với việc ban hành Luật TT sửa đổi.
QUỲNH HOA-CHU THANH VÂN (TTXVN)