12/08/2014 - 21:52

PHIÊN HỌP THỨ 30 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIII

Thảo luận dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12-8, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Thảo luận về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý.

Tán thành với quan điểm cần thiết phải có chính sách về nhà ở công vụ nhưng nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ đối tượng, chính sách, giá nhà ở công vụ... Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị cần có quy định mức nhà ở công vụ cụ thể, tương ứng với cấp bậc công tác. Theo ông, không thể có chế độ "cào bằng" trong áp dụng chính sách nhà ở công vụ. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần có cách tính chung, tránh việc mỗi nơi áp dụng một kiểu dẫn đến sự không công bằng trong thực hiện chính sách nhà công vụ.

Nội dung về nhà ở xã hội được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến trong phiên thảo luận. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, nhà ở xã hội phải đảm bảo cho các đối tượng khó khăn có khả năng mua, thuê... nhưng vừa qua vẫn còn tình trạng nhà ở xã hội bán theo giá nhà ở thị trường nên "người có thu nhập trung bình mua còn khó, nói gì đến người thu nhập thấp". Theo ông Ksor Phước, chính sách nhà ở xã hội không nên ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư mà cần xác định đúng đối tượng ưu tiên là người nghèo không có nhà ở.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với quan điểm cần có Quỹ phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ vốn cho các đối tượng khó khăn về nhà ở. Việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội là để tạo thêm một kênh huy động vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định và thời gian cho vay dài hạn của các địa phương có nhu cầu cao về nhà ở nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn về nhà ở được vay vốn từ Quỹ để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Tán thành với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng không yêu cầu tất cả 63 tỉnh, thành phố phải thành lập Quỹ mà chỉ quy định thành lập Quỹ tại một số địa phương nhất định... Việc quy định thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, người nghèo chưa đủ khả năng tài chính có thể tạo lập chỗ ở bằng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước... Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định rõ hơn trong dự thảo Luật về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở xã hội để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện thống nhất...

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với việc đổi tên và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật từ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề thành dự án Luật giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng, gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, để bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...

Về việc thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp, một số ý kiến tán thành không nên quy định trong Luật này tỷ lệ cụ thể ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp cũng như cơ chế phân bổ mà nên giao cho Chính phủ quyết định linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn...

* Tiếp tục phiên họp thứ 30, chiều 12-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật thi hành án dân sự.

Về đơn yêu cầu thi hành án, m ột số ý kiến đề nghị giữ 2 cơ chế như quy định hiện hành: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, tạo điều kiện để người được thi hành có thể lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị để cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án, không nên bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về khung chương trình kênh truyền hình Quốc hội.

Chia sẻ bài viết