20/08/2012 - 21:43

Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Thảo luận dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giáo dục quốc phòng- an ninh (GDQP-AN). Đây là lần đầu tiên dự thảo Luật được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án Luật nêu rõ qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN cho thấy văn bản quy phạm pháp luật về GDQP - AN nếu chỉ dừng lại ở những Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, vì giáo dục quốc phòng - an ninh quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, một số nội dung giáo dục quốc phòng liên quan đến Luật Giáo dục, Luật Quốc phòng, Luật An ninh Quốc gia, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các Luật khác, do đó để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần phải ban hành văn bản có giá trị pháp lý cao để giải quyết các vấn đề nêu trên. Giáo dục quốc phòng - an ninh cho công dân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia; mục tiêu cơ bản xuyên suốt của GDQP - AN của các quốc gia trên thế giới đều nhằm giáo dục trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quốc phòng, an ninh cần thiết, để mỗi công dân có thể thực hiện tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Đến nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Giáo dục quốc phòng. Để khắc phục những hạn chế, đưa nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh đi vào chiều sâu, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, việc ban hành Luật GDQP-AN là cần thiết và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Dự thảo Luật bao gồm 6 chương, 42 điều quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng - an ninh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giáo dục quốc phòng - an ninh. Mục tiêu giáo dục quốc phòng - an ninh nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng - an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ cho rằng, trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật GDQP-AN là rất cần thiết. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật, Tờ trình của Chính phủ cần tập trung làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQP-AN; những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GDQP-AN. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến cụ thể về Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục quốc phòng - an ninh; Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng - an ninh và từng điều luật cụ thể.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết