07/03/2022 - 08:31

Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

TP Cần Thơ đang thực hiện nhiều dự án, công trình phát triển đô thị, kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng, cấp nền tái định cư… cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

Khu tái định cư tại phường An Bình đang được thi công.

Vướng mắc

Ông Trương Thành Ðạt, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ), cho biết: "Năm 2021 thành phố có nhiều dự án, công trình được khởi công xây dựng, đưa vào sử dụng. Trong đó cũng có dự án, công trình thi công chậm do gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, bồi thường thiệt hại, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng các dự án…".

Năm 2021, toàn thành phố có 73 dự án triển khai thực hiện, tổng diện tích đất hơn 162,5ha, có 4.570 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi thực hiện các thủ tục kiểm đếm, thành phố đã có quyết định phê duyệt thu hồi khoảng 122,5ha đất của 2.931 hộ dân, số tiền bồi thường khoảng 1.710 tỉ đồng; có quyết định phê duyệt chính sách tái định cư cho 1.738 trường hợp, trong đó có 484 trường hợp đủ điều kiện tái định cư, không đủ điều kiện tái định cư là 1.254 trường hợp, qua đó đã giải quyết tái định cư cho 110 trường hợp, tương đương 122 nền nhà…

Riêng các dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ triển khai thực có 3.680 trường hợp có nhu cầu tái định cư, tương đương 4.385 nền. Cơ quan chức năng đã bố trí tái định cư 1.782 trường hợp, tương đương 2.252 nền; chưa bố trí tái định cư 1.898 trường hợp, tương đương 2.133 nền, trong đó có 917 trường hợp (tương đương 1.069 nền) thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách, 981 trường hợp (tương đương 1.064 nền) thuộc các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Các quận, huyện đang xây dựng và bố trí tái định cư cho các trường hợp trên trong thời gian tới.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại các dự án vẫn còn một số vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Ðiển hình tại Khoản 1, Ðiều 6, Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định: "Cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) không thuộc đối tượng được quy định tại Nghị định số 47/2014/NÐ-CP (quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất), nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật, khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường về đất nhưng không được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, không được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm". Quy định này đang gặp rất nhiều phản ứng, không đồng tình từ phía người dân. Một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tham gia trực tiếp sản xuất nông nghiệp cải thiện kinh tế gia đình, nhưng không được hỗ trợ chuyển đổi nghề nên đa số không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền. Tình trạng này làm ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng và cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện.

Thành phố đang áp dụng hai khung chính sách để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ðối với dự án vay vốn để đầu tư xây dựng từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á... áp dụng theo khung chính sách của ngân hàng; các dự án sử dụng vốn ngân sách, áp dụng theo chính sách được quy định tại Luật Ðất đai 2013. Giữa hai khung chính sách có sự chênh lệch lớn về quyền lợi nên đa phần các hộ dân được bồi thường theo quy định của Luật Ðất đai không đồng tình và yêu cầu được bồi thường theo khung chính sách của ngân hàng (Khu đô thị mới trên đường Võ Văn Kiệt - khu 35ha...) dẫn đến khó khăn trong việc vận động kiểm đếm, nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho dự án…

Tháo gỡ

Ðể góp phần giải quyết các khó khăn, thực hiện các dự án khi Nhà nước thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị đến UBND TP Cần Thơ xem xét giao UBND cấp xã (nơi có đất thu hồi) xác nhận nội dung trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu ổn định từ sản xuất nông nghiệp; UBND cấp xã nơi đăng ký thường trú xác nhận số nhân khẩu trong hộ khẩu là công chức, viên chức làm cơ sở cho việc hỗ trợ theo quy định đối với các trường hợp bị thu hồi đất. Thành phố nên xem xét có chính sách hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp của cán bộ công chức, viên chức đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp khi có đất nông nghiệp ảnh hưởng dự án...

Ðối với các nội dung thuộc thẩm quyền UBND thành phố chưa được hoàn chỉnh, Sở TN&MT sẽ phối hợp cùng các sở ngành có liên quan, UBND các quận, huyện rà soát lại quy định pháp luật để tham mưu UBND thành phố kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế, như giao trách nhiệm xác nhận tỷ lệ mất đất nông nghiệp phục vụ việc hỗ trợ ổn định đời sống theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 5 của Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT cho đơn vị cụ thể (UBND cấp xã nơi có đất thu hồi hoặc Chi nhánh Văn phòng Ðăng ký đất đai quận, huyện); xem xét, có chính sách khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân (người dân, cán bộ, công chức, viên chức) đã có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực, nhiệt tình khi Nhà nước thực hiện dự án phát triển KT-XH. Qua đó góp phần khuyến khích, nhân rộng sự nhiệt huyết, phối hợp trong quá trình thực hiện tại các dự án.

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cần Thơ cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, trong quá trình họp xét thông qua giá đất để tính bồi thường tại các dự án cần có sự rà soát, kiểm tra, so sánh với giá chuyển nhượng thực tế tại địa phương để đưa ra mức giá phù hợp, nhằm tạo sự đồng thuận từ phía người dân khi thu hồi đất trước khi trình hội đồng thẩm định giá đất của thành phố; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp của các ngành, đoàn thể có liên quan trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định pháp luật, kịp thời giải quyết vướng mắc, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án thời gian tới…  

Mới đây, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: "Các sở, ngành, UBND các quận, huyện quan tâm công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư cho người dân có đất đai, tài sản liên quan đến các công trình, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ xây dựng các công trình, dự án, khu tái định cư đang triển khai ở một số địa phương; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật khi bồi thường, giải phóng mặt bằng, xét tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án. Các địa phương cần định hướng quy hoạch, xây dựng tái định cư trên địa bàn đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án...".

Chia sẻ bài viết