29/08/2017 - 15:39

Thành tựu nhưng vẫn còn trăn trở 

Năm học 2016-2017, Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD& ĐT. Tuy nhiên, ngành vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, cần được quan tâm đầu tư của thành phố, sự nỗ lực của toàn ngành…

Giờ học ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Thới Bình (quận Ninh Kiều). Ảnh: B.NG

 

Nỗ lực chung

Năm học 2016-2017- năm học thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Ngành giáo dục thành phố nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các bậc học ngày càng ổn định, chất lượng được nâng lên, đạt và vượt so với quy định. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo (96,71% trường mầm non (MN), mẫu giáo tổ chức bán trú); chất lượng giáo dục phổ thông giữ vững, học sinh đậu tốt nghiệp THPT năm 2017 đạt 96,81% (trong đó hệ THPT đạt 99,24%); có 99,93% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học.

Giáo dục mũi nhọn của thành phố so năm trước tăng 210 giải học sinh giỏi cấp thành phố và tương đương trở lên (có 5.888 học sinh đạt giải, 244 học sinh đạt giải cấp quốc gia, 1 học sinh đạt huy chương bạc Cuộc thi Olympic Tin học Châu Á Thái Bình Dương). Ngành đã triển khai Trường điển hình đổi mới ở 4 trường thuộc 4 bậc học. Về việc thực hiện trường điển hình đổi mới, ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đánh giá: Qua thời gian thực hiện giai đoạn 1 (học kỳ 2 năm học 2016-2017), chất lượng giáo dục ở các trường nâng lên rõ nét; tỷ lệ hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,54%. Đây là nền tảng nâng cao chất lượng toàn diện và giúp thành phố mở rộng thực hiện mô hình ở 10 trường tiểu học (trong số 53 trường của toàn thành phố theo kế hoạch đến năm 2020).

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mạng lưới giáo dục và qui mô trường lớp ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo phục vụ công tác dạy và học đạt chất lượng cao. Năm học 2016-2017, toàn ngành có 455 trường MN và phổ thông, tăng 7 trường so với năm học trước. Đến nay, thành phố có 261/ 455 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt 57,14%. Ông Hùng cho biết: “Đi đôi đầu tư cơ sở vật chất, ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Toàn ngành hiện có 15.380 công chức, viên chức và người lao động. Số giáo viên trên chuẩn đạt 79,25%. Năm học qua ngành đã cử 81 công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học, tổ chức 37 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, với hơn 4.300 giáo viên, cán bộ tham gia”.

Vẫn còn trăn trở

Công tác GD&ĐT thành phố vẫn đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Đơn cử, khi triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục ở các bậc học, cấp học, một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu chung; phòng học bộ môn tại các trường học còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Mạng lưới trường lớp tuy được quan tâm đầu tư, mở rộng nhưng vẫn chưa đồng đều ở các địa phương; tình trạng điểm lẻ ở vùng ven vẫn còn. Thành phố vẫn còn tình trạng thiếu trường THCS (chỉ có 66 trường/ 85 xã, phường, thị trấn); thừa-thiếu giáo viên cục bộ, nhất là ở bậc học MN. Hầu hết các quận, huyện (Ô Môn, Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh...) thiếu giáo viên MN. Huyện Cờ Đỏ còn thiếu 104 giáo viên MN, tiểu học và THCS (trong đó thiếu hơn 60 giáo viên bậc MN), quận Ô Môn thiếu 30 giáo viên MN… 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục, năm học 2017-2018, ngành giáo dục thành phố nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản của Bộ GD&ĐT. Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó thực hiện bồi dưỡng cán bộ, giáo viên nhằm đón đầu việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Bà Trần Hồng Thắm cho biết: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT là những giải pháp của ngành giáo dục năm học 2017-2018. Trước mắt, ngành tiếp tục quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý đảm bảo phù hợp năng lực, sở trường của từng người, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Đồng thời bố trí hợp lý cho chi đầu tư, tăng cường hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công... Song, ngành rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa  của lãnh đạo thành phố, ban ngành đoàn thể các cấp, chung tay chăm lo GD&ĐT.

Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, ngành giáo dục tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; rà soát, quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp với định hướng phát triển thành phố, bởi thành phố vẫn còn thiếu trường THCS. Ngành cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cũng như tinh giảm biên chế, bố trí vị trí công việc phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Quan trọng, ngành cần phối hợp với địa phương huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp; quan tâm học sinh gia đình chính sách, người dân tộc, nghèo, cận nghèo; hạn chế thấp nhất học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn… để giáo dục thành phố ngày càng phát triển bền vững.

Bài, ảnh:  B.KIÊN

Chia sẻ bài viết