18/06/2020 - 20:50

Thành phố cùng doanh nghiệp bắt nhịp khôi phục nền kinh tế 

Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và doanh nghiệp (DN) diễn ra vào sáng 18-6 (ảnh) nhằm phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền thành phố với cộng đồng DN trong việc nắm bắt thông tin, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID- 19. Tại Hội nghị này, DN kỳ vọng thị trường sẽ bắt đầu khôi phục trong quý III đến cuối năm. DN cũng thể hiện quyết tâm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và mong tiếp cận hiệu quả hơn với các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và thành phố.

►Đối mặt thách thức

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ: Tọa đàm lần này nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng DN; tìm hiểu, phân tích khó khăn, vướng mắc mà cộng đồng DN đang phải đối mặt. Đồng thời, bàn bạc, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho giai đoạn sau khi dịch bệnh kết thúc để khôi phục, phát triển kinh tế một cách bài bản, bền vững.

Trong giai đoạn khó khăn, mỗi DN đều tìm hướng thích ứng với thực tiễn hoạt động của đơn vị mình. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, chia sẻ: “Công ty vẫn giữ ổn định nguồn lực, chưa giảm lao động nào. Công ty ưu tiên duy trì việc làm, ổn định thu nhập và các chế độ cho người lao động; tạm dừng kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị cũng như việc chia cổ tức cho cổ đông. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 70% so với cùng kỳ. Công ty kiến nghị UBND thành phố xem xét giúp DN giãn các loại thuế VAT, thuế thu nhập DN đến cuối năm; thực hiện chương trình xúc tiến, kích cầu thị trường nội địa”.

Theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Caseamex, hàng hóa của DN Việt Nam bị ùn tắc nhiều ở cảng quốc tế. Ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các công ty sản xuất chế biến là ách tắc đầu ra và lưu chuyển vốn. Có những chi phí giãn được nhưng chắc chắn phải trả trong nay mai và DN vẫn đang gồng gánh. Công ty kiến nghị ngành ngân hàng tăng vốn trong giai đoạn này vì phải chịu đựng ít nhất là 3 tháng nữa để chờ khôi phục thị trường.

►Bắt nhịp thị trường

Trên 30 DN, đại diện Hiệp hội DN, ngành hàng của thành phố tham dự Hội nghị và có 11 DN tham gia phát biểu với 31 ý kiến thuộc 12 nhóm vấn đề. Các ý kiến đề xuất liên quan đến tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, giãn - giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ vay, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, quan tâm cải cách thủ tục hành chính, đề xuất các giải pháp cụ thể để DN tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tiếp cận thông tin về các dự án thành phố đang mời gọi đầu tư, kích cầu thị trường nội địa, xuất khẩu, du lịch...

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP Cần Thơ, thành phố có 31 chi nhánh ngân hàng thương mại và 1 Quỹ Tín dụng nhân dân đã cho vay, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 với dư nợ bị ảnh hưởng 10.952 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo quy định. Đến cuối tháng 5-2020, doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23-1-2020  đạt 12.423 tỉ đồng cho hơn 3.405 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (miễn giảm lãi vay là 170,5 tỉ đồng cho 415 khách hàng) là 3.351 tỉ đồng cho hơn 1.174 khách hàng bị thiệt hại. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: “Ngân hàng không giải ngân được vốn, trong khi DN kêu khó không tiếp cận được vốn. Hai bên không nên chỉ giữ quan điểm của mình mà nên cùng ngồi lại với nhau với sự tham gia của NHNN chi nhánh để hiểu nhau hơn và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nhằm giải ngân vốn cũng như tiếp cận vốn hiệu quả”.

Cải cách thủ tục hành chính nhiều hơn, mạnh mẽ hơn

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, qua khảo sát, DN phản ánh thành phố có nhiều bước tiến, có cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính (TTHC) nhưng so với các địa phương khác chưa nhiều. Các lĩnh vực còn gây phiền hà, khó khăn cho DN gồm đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và giao thông. Điểm tích cực của Cần Thơ là lĩnh vực đất đai DN ít gặp phiền hà hơn so với mức trung bình cả nước (chiếm 29% số DN được khảo sát trong khi mức trung bình cả nước là 35%). Các lĩnh vực khác như xây dựng, kho bạc, hải quan được đánh giá cao hơn cả nước.

Với tinh thần “Cùng nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, TP Cần Thơ xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư là một trong những giải pháp trọng tâm để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và DN, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng: Môi trường đầu tư, kinh doanh năm 2019 của TP Cần Thơ ổn định. Nhưng ổn định như vậy là không tốt vì trong khi chúng ta ổn định thì các địa phương khác đã đi nhanh. Vì vậy, thành phố sẽ tập trung mạnh mẽ hơn nữa cho cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư. Trong tháng 7 tới, UBND thành phố giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức một hội nghị về cải cách TTHC để xác định các TTHC nào có thể cải cách nhiều hơn nữa; ưu tiên cho các thủ tục về sản xuất kinh doanh; cắt giảm hoạt động thanh, kiểm tra không cần thiết...

QUẾ LIM

Ghi nhận ý kiến của các DN, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại và phối hợp các sở, ngành xây dựng kế hoạch hành động chung để ban hành ngay trong tháng 6. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ rà soát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hướng dẫn cộng đồng DN tiếp cận thông tin, hồ sơ, đơn giản thủ tục tiếp cận vốn, triển khai các bộ công cụ để hỗ trợ tốt hơn cho ngân hàng thương mại hoạt động. Vấn đề miễn, giãn, giảm thuế và tiền thuê đất, có nhiều nội dung hỗ trợ song vẫn còn khoảng cách giữa cơ quan thuế và DN. Do đó, Cục Thuế cần quan tâm đến các điều kiện cụ thể của từng gói hỗ trợ và tổ chức tập huấn riêng cho từng nhóm đối tượng, nhất là các DN siêu nhỏ nhằm tăng tỷ lệ DN tiếp cận các gói hỗ trợ này.

Vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Bảo hiểm Xã hội thành phố kiến nghị về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để linh hoạt triển khai hỗ trợ cho DN. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai gói hỗ trợ người lao động, hỗ trợ DN về hồ sơ thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ. Đối với vấn đề kích cầu thị trường sau dịch, có nhiều nhóm giải pháp khác nhau, song phải nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở lại toàn bộ các lĩnh vực hoạt động nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết