17/08/2010 - 21:07

Thanh long bén rễ vùng đất khó

Thanh long trên rộp đá ở Hòn Tre cho trái ngon và được xem là trái sạch vì không sử dụng hóa chất.

Những ngọn đồi, núi đầy đá trên đảo ở vùng biển đảo Kiên Giang và vùng đồi núi, ruộng ở An Giang đang hướng đến trồng thanh long nhằm tăng thu nhập, mở rộng diện tích canh tác trên vùng “đất khó”…

Trên đảo hiện đang vào vụ thu hoạch thanh long và kéo dài đến tháng chín âm lịch. Những hôm cuối tuần, du khách đến đây nhiều, sau hải sản, thanh long trở thành đặc sản. Nông dân ở Hòn Tre thuộc huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) đang náo nức với vụ thanh long được mùa trúng giá. Thanh long bán tại đảo hiện có giá 5.000 đồng/kg trở lên. Thu hoạch bao nhiêu, thương lái thu mua hết bấy nhiêu và chở vào đất liền bán lẻ tại các chợ. Tại chợ đầu mối nông-thủy sản Kiên Giang, thanh long đảo tiêu thụ mạnh bởi trái đẹp, lớn và đặc biệt là vị ngọt thanh hơn so với thanh long trồng ở đất liền. Thanh long Hòn Tre có thể được xem là loại trái sạch vì chủ yếu được trồng tự nhiên, bò trên đá núi, hầu như không sử dụng phân bón, thuốc kích thích.

Một trong những người khởi xướng trồng thanh long trên vách đá ở Kiên Hải là ông Nguyễn Văn Tơ (nay đã 65 tuổi, ngụ ấp 1, xã Hòn Tre). Cách đây hơn 20 năm, ông về quê ở Long An và mang giống thanh long ra đảo trồng. Ban đầu, ông chỉ trồng để ăn trong gia đình nên không quan tâm chăm sóc, bón phân, phun thuốc. Không ngờ, thanh long lại bén rễ tốt trên đất núi đá, đơm hoa kết trái. Đến nay, đâu đâu trên đảo này cũng có thanh long bò trên đá. Vùng đất cằn cỗi nằm theo triền núi của Hòn Tre trở thành nơi trồng thanh long lý tưởng của người dân xã đảo. “Mỗi năm, số hộ trồng thanh long ngày một nhiều. Đến nay, trên đảo có trên chục hộ trồng. Nhiều thì chục công, ít thì cũng vài công làm sinh kế...”- ông Tơ cho biết. Cây thanh long đảo đã góp phần tăng thu nhập cho người dân xã đảo.

Theo ông Nguyễn Văn Tơ, dù không được chăm bón nhưng trái thanh long vẫn căng tròn, nặng từ 500g đến 1 ký. Có lẽ do sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, sống bằng hơi sương, hơi đá nên thanh long nơi đây không hề bị sâu bệnh. Không cần đầu tư chi phí, chỉ khi thu hoạch mới cần người hái và gùi từ những “rộp đá” trên các triền đồi, đỉnh Hòn Tre xuống bến tàu. Vì vậy, bán thanh long được bao nhiêu xem như lời bấy nhiêu... Ước tính, mỗi héc- ta thanh long trồng trên triền núi có thể thu hoạch 10 tấn trái. Năm nay, mỏm đá nào cũng đầy trái, người trồng rất phấn khởi. Ông Lương Thanh Phong (ngụ ấp 2, xã Hòn Tre) trồng khoảng 1 ha thanh long, cho biết: “Năm nay, thanh long trên đảo trúng đậm. Một ha đất núi đầy những đá thay vì bỏ hoang, tôi trồng thanh long, không tốn nhiều công chăm sóc, mà cũng thu được 20 triệu đồng”. Hiện nay, giá bán lẻ thanh long trên đảo khoảng 7.000 đồng/kg, bán cho thương lái chở vào bờ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg tùy thời điểm. So với những năm trước, thanh long chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg thì năm nay nông dân “sống khỏe” với cây trồng này.

Còn tại vùng đất Bảy Núi-An Giang cũng đang chuẩn bị phát triển nghề trồng thanh long. Vùng đất này thường bị khô cằn và thiếu nước tưới vào mùa khô nên khó canh tác được cây lúa. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ An Giang làm chủ nhiệm mô hình “Tập huấn kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng cây thanh long trên đất ruộng trên tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên”. Mô hình này được Hội đồng thẩm định gồm các cơ quan chức năng của tỉnh và Trường Đại học An Giang đánh giá cao. Hiện nay, Ban chủ nhiệm mô hình tìm địa điểm thuận lợi để triển khai và nhân rộng ở hai huyện này. Việc sản xuất sản gắn với tiêu thụ nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng tính hiệu quả của mô hình. Trong khi đó, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cũng đang rà soát lại diện tích trồng thanh long trên đảo và hệ thống các thông tin để đăng ký thương hiệu độc quyền thanh long Hòn Tre. “Sản lượng không lớn như các vùng trồng khác nhưng thanh long trồng trên đảo có lợi thế riêng bởi chất lượng sản phẩm. Hiện nay, thanh long Hòn Tre đã được ưa chuộng nên khi có thương hiệu có chỗ đứng vững trên thị trường. Địa phương không chú trọng đến xuất khẩu mà chỉ xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm sạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Du lịch trên đảo phát triển thì đặc sản thanh long sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách”- ông Trần Thanh Kiệt, Phó phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cho biết. Tuy nhiên, việc xây dựng và giữ thương hiệu đòi hỏi người trồng phải ý thức sự thân thiện với môi trường trong sản xuất, giữ nguyên phương pháp trồng hiện nay để phát triển bền vững nghề trồng loại trái cây đặc sản này...

Bài, ảnh: Thụy Du

Chia sẻ bài viết