07/03/2018 - 15:33

Tháng Giêng về Long Thượng dự Lễ hội Vía bà Ngũ Hành 

Với nhiều hoạt động đặc sắc như lễ cầu an, nhạc lễ, bóng rỗi, múa lân, dâng bông - Địa nàng,... Lễ hội Vía bà Ngũ Hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 18 đến 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Khách hành hương đến đây thường cầu bình an, may mắn và xin lộc

Miếu bà Ngũ Hành Long Thượng thờ Ngũ Hành nương nương - vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), giúp quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa. Lễ hội Vía bà Ngũ Hành hay còn gọi là lễ cầu an được tổ chức tại Di tích kiến trúc nghệ thuật miếu bà Ngũ Hành. Đây là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh được công nhận vào năm 1997 và là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào tháng 12/2014. Hơn 7 năm tham gia lễ hội, bà Trần Thị Năm, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, lễ hội thu hút rất nhiều du khách từ các nơi khác đến chiêm bái. Khách hành hương đến đây thường cầu bình an, may mắn, xin lộc”.

Hát rỗi được thể hiện bằng ngôn ngữ thanh nhạc với ý nghĩa ca tụng công đức của bà Ngũ Hành và chào mời các vị thần về dự lễ

Múa bóng rỗi và dâng bông - Địa nàng là tiết mục thu hút nhiều người. Nếu có dịp đến xã Long Thượng, đi Lễ hội Vía bà, xem hát rỗi và múa bóng, du khách sẽ được hòa mình vào không gian nghệ thuật đặc sắc. Đây là loại hình nghệ thuật do các cô, cậu bóng thực hiện với những lời ca thờ cúng, xưng tụng thần linh cùng màn diễn xiếc điêu luyện. Hát rỗi thường diễn ra trước, thể hiện bằng ngôn ngữ thanh nhạc, ca tụng công đức của bà Ngũ Hành và mời các vị thần về dự lễ cúng miễu, múa bóng thể hiện ngôn ngữ bằng hình thể, thực hiện khi dâng lễ vật lên thần linh.

Múa lân là một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội

Hội phó Ban Hội hương miếu bà Ngũ Hành Long Thượng - Nguyễn Văn Công cho biết: “Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô hơn, dự kiến thu hút khoảng 30.000 lượt khách. Để lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, lành mạnh, chúng tôi chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ban Tổ chức cũng tăng cường tuyên truyền để người dân cảnh giác với các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi”.

Tham gia lễ hội, du khách được thưởng thức nghệ thuật diễn tấu của ban nhạc lễ truyền thống

Theo dòng chảy thời gian, ngày nay, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng thuộc tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt bị mai một dần. Thế nhưng, hát rỗi và múa bóng trong Lễ hội Vía bà Ngũ Hành Long Thượng vẫn được lưu giữ và trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Vì lẽ đó, cứ vào mùa lễ hội, người dân địa phương và khách thập phương tìm đến miếu bà ngày càng nhiều.

Theo Báo Long An

Chia sẻ bài viết