25/07/2010 - 08:25

Tháng 7, CPI cả nước tăng thấp nhất trong vòng 6 năm lại đây

Với việc giá lương thực tiếp tục giảm mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước trong tháng 7 chỉ tăng 0,06% so với tháng 6 và là mức tăng thấp nhất so với các tháng 7 kể từ năm 2004 đến nay. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của CPI kể từ đầu năm đến nay.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), với “dao động” nhẹ này, CPI 7 tháng qua đã tăng 4,84 % so với tháng 12-2009 và tăng 8,67 % so với cùng kỳ 2009. Điểm đặc biệt là CPI tháng 7 lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ tăng ở 8/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng thấp từ 0,11-0,41%.

Tiếp tục dẫn đầu về mức tăng mạnh nhất là nhóm hàng xa xỉ đồ uống và thuốc lá với mức tăng 0,41%. Tiếp đến là nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình với mức tăng 0,39%; nhóm may mặc, hàng hóa và giày dép tăng 0,35%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,3%; văn hóa, du lịch và giải trí tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,22%... Mặc dù tháng 7 là tháng cao điểm của mùa tuyển sinh đại học và cao đẳng nhưng mức tăng giá của nhóm giáo dục lại thấp nhất, chỉ tăng 0,11%.

Mặc dù nhóm hàng ăn và dịch vụ khác tăng 0,21% nhưng nhóm lương thực lại tiếp tục giảm tới 0,97% (tháng 6 chỉ giảm 0,83%) đã có tác động mạnh mẽ tới việc CPI chung giảm mạnh.

Trong tháng 7, ba nhóm hàng hóa có tác động mạnh tới đời sống dân cư đã giảm rõ rệt; trong đó, nhóm giao thông giảm 0,94%, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,47%, bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 tăng thấp nhất so với các tháng 7 trong vòng 6 năm lại đây là nhờ một loạt yếu tố quan trọng. Trước hết, vụ đông xuân vừa cho một vụ mùa bội thu, trong khi xuất khẩu chịu sức ép giảm giá đã khiến cho giá lúa trong nước liên tiếp giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc giảm giá của các nhóm hàng hóa khác như xăng dầu, vật liệu xây dựng... đã hỗ trợ kéo CPI giảm tốc mạnh mẽ.

Đặc biệt, CPI của 2 thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước chỉ “dao động” nhẹ; trong đó thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,09% và Hà Nội chỉ tăng 0,25% so với tháng 6 đã có tác dụng kiềm chế mạnh mẽ tốc độ tăng CPI cả nước.

Mặc dù chưa nhìn thấy các yếu tố bất lợi khiến CPI tháng 8 có thể tăng đột biến nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo: Việt Nam đang trong mùa bão lũ và những tác động bất lợi của thiên tai tàn phá có thể sẽ là nguyên nhân khiến cung cầu các mặt hàng thiết yếu bị mất cân đối, dẫn tới giá cả tăng đột biến. Chính vì vậy, từ nay đến hết năm 2010, các thành phố lớn trong cả nước, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ “Quỹ bình ổn giá” 8 mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định mặt bằng giá cả chung trong cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô một cách linh hoạt; ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy sản xuất và cải thiện cán cân thanh toán... Có như vậy, “cơ thể kinh tế” mới thoát dần khỏi các sức ép hiện nay và mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2010 ở mức trên dưới 8% mới thành hiện thực.

Tháng 7, giá vàng trên thị trường đã tăng 2,15% so với tháng 6 và tăng 35,86% so với cùng kỳ 2009; đưa giá vàng 7 tháng qua tăng 2,46% so với tháng 12-2009 và tăng 38,57% so với cùng kỳ 2009.

Do các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động cũng như đẩy mạnh thu mua đô-la Mỹ nên giá ngoại tệ này trên thị trường đã tăng 0,38% so với tháng 6, tăng 5,04% so với cùng kỳ 2009; đưa giá ngoại tệ tăng 0,79% so với tháng 12-2009 và 7,29% so với cùng kỳ 2009.

NGUYỄN KIM ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết