06/07/2008 - 21:13

"Thần y" trị rắn cắn vùng Bảy Núi

Nói đến Thất Sơn, An Giang nhiều người nghĩ ngay đến một vùng rừng núi hiểm trở, nơi đó con người muốn tồn tại phải chinh phục thiên nhiên và đấu tranh sinh tồn. Chính quá trình ấy đã để lại biết bao truyền thuyết về một thời khẩn hoang mở đất, chinh phục thú dữ, những bài thuốc quý cứu người... Và chuyện về những “thần y” trị rắn cắn làm nhiều người tò mò nhất...

Đi tìm khắc tinh của rắn độc

Bảy Núi, những ngày cuối tháng 6 mưa như trút nước. Biết tôi muốn tìm hiểu về huyền thoại thầy trị rắn, anh Kim Sen, Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Lăng, chỉ ngay về ấp An Thuận. Anh nói: “Đến đó tìm gặp trưởng ấp, nhà báo sẽ biết hết. Rắn cắn mà mang đến chùa Nam Quy trên là được cứu liền”. Mưa lớn nhưng anh Chau Rương, Trưởng ấp An Thuận, vẫn chở tôi đi. Anh nói: “Chịu cực một tí nhà báo đến nơi “thần y” rồi. Nhưng ông ấy không còn, chỉ có truyền nhân của ông thôi”.

Sau hơn 30 phút đi xe từ xã Châu Lăng, chúng tôi đến nơi. Chỗ “thần y” mà anh Chau Rương nói là ngôi chùa Nam Quy trên, thuộc ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang. Tiếp chúng tôi là Đại đức Chau Kol mà người dân trong vùng gọi là truyền nhân của “thần y” trị rắn cắn. Còn “thần y” đã mất cách đây 4 năm, nhưng với cái tâm của mình bài thuốc quý đó vẫn được ông truyền lại cho đời sau và người dân trong vùng quý mến gọi ông là thầy thuốc của dân.

Nói đến nghề trị rắn cắn tại Bảy Núi không ai qua cố Hòa thượng Chau Sum. Tài trị rắn cắn của ông được nhiều người kể thành những câu chuyện hết sức ly kỳ. Ông đã qua đời ở tuổi 84, theo người dân địa phương, 60 năm làm nghề trị rắn cắn ông đã cứu sống gần 1.000 lượt người bị rắn độc cắn. Người ta nói rằng cố Hòa thượng Chau Sum trị rắn độc cắn bằng bùa lỗ ban, bùa Lèo, bùa Miên... Hơn thế nữa, ông có khả năng “trục” con rắn đã cắn người xấu số về ngay nơi bệnh nhân đang nằm hấp hối để “đền tội”. Còn rất nhiều mẩu chuyện khác mang màu sắc huyền bí, thêu dệt thêm để nói về biệt tài trị rắn độc cắn của ông. Tuy nhiên, khi nói về chuyện này Đại đức Chau Kol, khẳng định: “Chính những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi đã cứu sống con người”.

Truyền nhân nghề trị rắn cắn

 Truyền nhân của “thần y” Chau Sum.

Cũng có tấm lòng nhân ái và được truyền hết tâm quyết cả đời trị rắn cắn từ Hòa thượng Chau Sum là Đại đức Chau Kol, trụ trì chùa Nam Quy trên. Với 26 tuổi đời, 6 tuổi nghề, ông đã lĩnh hội gần hết tuyệt học của thầy về các phương pháp trị rắn cắn. Anh Chau Rương, Trưởng ấp An Thuận, nhẩm tính: “Bình quân hằng năm Đại đức Chau Kol trị rắn cắn cho khoảng 70 người. Qua tay của Đại đức Chau Kol, những người này điều bình phục trở về nhà”. Đại đức Chau Kol cho biết: “Những người dân đến đây trị bệnh điều là người nghèo làm ruộng, làm rẫy trên núi nên dễ bị rắn cắn. Từ nhỏ tôi đã theo thầy Chau Sum trị cho nhiều trường hợp rắn cắn. Những bài thuốc thầy truyền lại đều sử dụng thảo dược từ Bảy Núi, chủ yếu mình giúp bà con bảo vệ tính mạng để trở lại lao động, sản xuất”.

Khi một bệnh nhân bị rắn cắn đưa đến, ông nhận biết ngay đó là loại rắn gì. Đại đức Chau Kol cho biết: “Nếu rắn hổ đất cắn thì họng bệnh nhân bị kéo đờm, mắt thâm quầng. Còn rắn hổ mây cắn thì trong vòng nửa tiếng đồng hồ, họng kéo đờm, mắt đục. Riêng rắn chàm quạp cắn bệnh nhân mê sảng, lỗ chân lông và chân răng của bệnh nhân chảy máu, vì nọc của loài này rất nóng... Từ đó, mình đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc để trị bệnh cho hợp lý”.

Đại đức Chau Kol tâm sự: “Vùng đất này rộng lớn chủ yếu rừng núi nên bà con dễ bị rắn cắn. Đã có 2 trường hợp nhà quá xa khi đưa đến đây thì không thể cứu được nữa làm tôi rất ray rứt. Do đó, tôi đã chọn một số người có tâm truyền lại nghề, như vậy những bài thuốc trị rắn sẽ không thất truyền mà còn phổ biến rộng rãi để cứu người”. Với suy nghĩ đó, Đại đức Chau Kol đã chọn được 1 đệ tử tại xã Lương Phi để truyền nghề. Trong tương lai ông sẽ chọn khoảng 4-5 người nữa tại vùng Bảy Núi để truyền lại nghề trị rắn cắn. Với cái tâm của một nhà sư - thầy thuốc, Đại đức Chau Kol đang làm tất cả để những người dân tại vùng Bảy Núi không phải bỏ mạng vì rắn độc.

Giải mã bài thuốc huyền thoại

Ông Chau Rương, Trưởng ấp An Thuận, cho biết: “Những bài thuốc cứu người bị rắn độc cắn của cố Hòa thượng Chau Sum đều có trong sách đông y. Song, tùy vào từng trường hợp mà ông có phần gia giảm các loài thuốc để giúp bệnh nhân mau bình phục. Những món thuốc bao gồm: xỉa, trái trút, củ môn nước, cây ngải rắn và phèn. Đôi lúc ông cũng dùng cây kim vàng, kim bạc để điều trị cho nạn nhân”. Chính những phương pháp điều trị mà cố Hòa thượng Chau Sum học được từ các bậc tiền bối kết hợp với những nghiên cứu của bản thân và thảo dược vùng Bảy Núi đã tạo nên những huyền thoại về “thần y” trị rắn cắn vùng Bảy Núi.

Trước đây, nhiều bệnh nhân tìm đến Hòa thượng Chau Sum khi đã cận kề cái chết như anh Chau An (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên), bị con rắn chàm quạp cắn vào chân. Anh Chau An được đưa đến chùa trong trạng thái sắp tắt thở vì máu trong miệng đã trào ra, cổ quặt sang một bên. Lỗ chân lông một số nơi đã rịn máu. Toàn thân anh tím tái. Chân trái, nơi con rắn cắn, thịt sưng tấy lên như khúc chuối. Sau khi kiểm tra vết thương, hòa thượng ra ngay bên hiên chùa hái ngải và một cây dược liệu khác bỏ vào cối giã. Ông giã nhuyễn thuốc rồi vắt lấy nước cho vào miệng bệnh nhân. Xác thuốc đắp nơi vết thương. Chưa đầy 3 phút, anh Chau An chớp mắt và từ từ tỉnh lại.

Cá biệt có những trường hợp như ông Chau Đinh ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, đi làm ruộng bị rắn độc cắn đến 3 lần và đều được Hòa thượng Chau Sum cứu sống. Không chỉ cứu cho người Việt Nam sinh sống tại bản xứ, ông còn chữa trị cho người dân Campuchia sống gần biên giới hai nước. Dân ở các huyện đầu nguồn, biên giới Việt Nam - Campuchia như huyện An Phú, Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp)... mỗi khi lũ về thường bị rắn độc cắn, chở được đến ông là được cứu sống.

Nhiều loài thuốc quý vùng Bảy Núi được sử dụng để trị rắn cắn.

Ngoài biệt tài trị rắn độc cắn, cố Hòa thượng Chau Sum còn tham khảo sách, điều trị các loại bệnh khác cho nhân dân trong vùng. Ngôi chùa Nam Quy trên, nơi ông trụ trì được nhân dân trong vùng gọi là bệnh viện tư nhân của ông Lụt Tà (Lụt Tà - tiếng Khmer - có nghĩa là hòa thượng). Bệnh viện này có nhiều điều đặc biệt như điều trị bệnh không lấy tiền những ai có hoàn cảnh khó khăn, Lụt Tà nuôi cơm và cho tiền bệnh nhân đi xe về.

Chính tài năng của cố Hòa thượng Chau Sum trong cứu người mà người ta đồn thổi tạo nên một huyền thoài về “thần y” trị rắn cắn. Nhiều người xác nhận đã thấy ông điều khiển được rắn, ông huýt gió gọi rắn lục về... Đại đức Chau Kol giải thích: “Đó chẳng qua là âm thanh từ miệng thầy Chau Sum phát ra có cùng tần số với tần số của con rắn, nên chúng đã cảm nhận được và huýt gió trả lời lại. Chứ không phải bùa phép gì, tại người ta cảm mến ông nên mới đồn thổi lên thôi”.

Bóng chiều khuất dần sau những ngọn núi tại vùng Thất Sơn huyền bí nhưng chuyện về “thần y” trị rắn vẫn còn mãi. Bài thuốc hiếm về trị rắn cắn vẫn còn ở vị truyền nhân trẻ tuổi của “thần y” Chau Sum. Với nguồn thảo dược vô tận của vùng Bảy Núi, con người tiếp tục chinh phục thiên nhiên, chống lại những nguy hiểm của loài rắn độc bằng chính những bài thuốc quý được truyền qua nhiều thế hệ.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết