12/08/2009 - 08:02

Ngày đầu tiên xét xử vụ lập quỹ trái phép ở Nông trường Sông Hậu

Thẩm vấn các bị cáo để làm rõ một loại quỹ bị cáo buộc là quỹ trái phép

(CT)- Trong phiên xử hôm qua (11-8-2009), TAND huyện Cờ Đỏ đã triệu tập 5 bị cáo (đang tại ngoại, có mặt đủ) và 14 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; ngoài ra có sự tham dự của các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo. Căn phòng xử chật ních người xem (số người đứng và ngồi tràn ra cả hành lang) và không khí như nóng lên khi ngay trong phần thủ tục, một số LS đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập hội đồng  giám định  tài chính; thắc mắc vì sao có sự thay đổi hội thẩm nhân dân trong phiên xử này so với thông báo trước đó. Bị cáo Trần Ngọc Sương thì đề nghị thay đổi Kiểm sát viên (KSV) giữ quyền công tố: Nguyễn Thị Hoàng Mai Lan, do trong quá trình thụ lý hồ sơ đã gây khó dễ cho LS của bị cáo; đồng thời bị cáo Sương cũng yêu cầu hoãn phiên tòa do 3 LS bào chữa cho bị cáo bận, không thể có mặt. HĐXX đã tạm dừng phiên tòa hơn 30 phút để hội ý và sau đó, Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Quyến đã công bố Quyết định số 01/QĐ.TA ngày 11-8-2009 của TAND huyện Cờ Đỏ về việc không chấp nhận thay đổi KSV Nguyễn Thị Hoàng Mai Lan do lý do nêu ra của bị cáo Trần Ngọc Sương không có cơ sở. Thẩm phán Nguyễn Quyến cũng giải thích theo khoản 3 Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS), trường hợp này không nhất thiết phải hoãn phiên tòa để trưng cầu giám định, trong quá trình xét xử nếu có vấn đề gì chưa rõ, HĐXX sẽ quyết định có cần giám định hay không. Còn việc thay đổi hội thẩm nhân dân là do sắp xếp công việc của tòa án, phù hợp theo Điều 166  BLTTHS. Và yêu cầu của bị cáo Trần Ngọc Sương hoãn phiên tòa do vắng mặt LS bào chữa cũng không được HĐXX chấp nhận do tòa đã thông báo hợp lệ ngày giờ xét xử cho các LS (Điều 57 BLTTHS). 

Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, phiên tòa bước vào phần thẩm vấn.  HĐXX tập trung thẩm vấn các bị cáo để làm rõ sự tồn tại của một loại quỹ mà các bị cáo bị cáo buộc là quỹ trái phép, với số thu hơn 9,4 tỉ đồng.

Theo trình bày của các bị cáo, quỹ này hình thành từ năm 1994, thời ông Trần Ngọc Hoằng làm giám đốc nông trường (NT), ban đầu từ nguồn thu bán cây bạch đàn trồng trên đất NT để giải quyết khó khăn, chi tiền ăn ca trưa, chi lương kiêm nhiệm,... cho CBCNV của NT và việc thu - chi chỉ báo cáo trong BGĐ và BCH-CĐ. Dần dần nguồn thu càng lớn, đến khi ông Trần Ngọc Hoằng qua đời (tháng 7-2000) thì số tiền để ngoài sổ sách này đã lên hơn 20,2 tỉ đồng (có lúc gọi là quỹ tập thể, hay quỹ sản xuất hoặc quỹ công đoàn) . Khi bà Trần Ngọc Sương lên làm GĐNT thì quỹ này được tiếp tục duy trì, mang tên quỹ công đoàn (QCĐ), mở rộng các nguồn thu từ tiền mua bán (chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của NT, thu từ nguồn bán bạch đàn, thu thuế đìa cá, cho thuê đất, quản lý máy, quản lý công trình điện nông thôn và các khoản thu khác. Qua thẩm vấn các bị cáo: Hoàng Thị Bình (kế toán); Nguyễn Văn Sơn (thủ quỹ); Đặng Thế Quốc Hưng (kế toán trưởng), cùng các người có liên quan: Nguyễn Thị Bích Sơn (nguyên thủ quỹ từ tháng 1-2001 đến tháng 2-2002); Nguyễn Xuân Quỹ (nguyên PGĐ NTSH kiêm  Chủ tịch CĐCS) đều thừa nhận biết quỹ CĐ để ngoài sổ sách, không báo cáo tài chính là sai nhưng do làm theo chỉ đạo của BGĐ NTSH, cụ thể là bị cáo Trần Ngọc Sương và Trương Hồng Nhung. Bị cáo Nhung và bị cáo Sương cũng thừa nhận các số liệu tổng hợp về quỹ CĐ (quỹ trái phép) do kế toán Bình, thủ quỹ Sơn đối chiếu là đúng, tổng cộng từ tháng 1-2001 đến tháng 12-2007 đã thu để ngoài sổ sách hơn  9,1 tỉ đồng và cũng đã chi lương kiêm nhiệm cho cán bộ, chi mua nhà đất, biếu tặng cho các cá nhân ở trung ương và địa phương, chi cho đoàn kiểm toán, chi bù lấp âm quỹ ngân sách của NT với tổng số tiền trên 9 tỉ 198 triệu đồng. Trong đó, đã sử dụng các khoản chi hợp lý khoảng 3,8 tỉ đồng, chi gây thiệt hại là 5,6 tỉ đồng. Buổi chiều phiên tòa kéo dài đến hơn 17giờ 30, HĐXX tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân của các bị cáo trong sử dụng, duyệt chi và lệnh chi từ nguồn QTP tại NTSH.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Chia sẻ bài viết